Sơn La tập trung phát triển kinh tế, xã hội

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Sơn La tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, bước đầu đạt kết quả khá.

Giọng nữ
Niên vụ sản xuất xoài 2024 tại Trung tâm chế biến rau, quả DOVECO
Ảnh: Nguyễn Yến

Thuận lợi, khó khăn đan xen

Kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Sơn La, diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị; xung đột quân sự giữa Nga - Ucraina diễn biến phức tạp và kéo dài, xung đột tại dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu, gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới.

 Trong nước, tình hình kinh tế, xã hội diễn biến với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Tăng trưởng trong quý I năm 2024 của cả nước đạt 5,66%, đây là mức tăng cao nhất cùng thời điểm trong giai đoạn 2020-2023. Tuy vậy, dự báo tăng trưởng cả năm của cả nước chỉ ở mức 6%. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Trên địa bàn tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, do đầu năm thời tiết mưa ít, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp và một số nhà máy thủy điện lớn thực hiện phát điện theo kế hoạch của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia nên ngành sản xuất điện giảm mạnh. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, mưa đá, giông lốc... ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp của tỉnh.

Vượt thách thức để tăng trưởng

Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, tỉnh ta đã đưa tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 14.650 tỷ đồng. Trong đó, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.394,4 tỷ đồng, tăng 0,59%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Các ngành khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đều có mức tăng trưởng khá. Giá trị tăng thêm ngành xây dựng ước đạt 1.362,8 tỷ đồng, tăng 6,65%, khoảng 85 tỷ đồng, đóng góp 0,58 điểm phần trăm vào khu vực công nghiệp, xây dựng.

Kiểm tra vận hành nhà máy xử lý nước của Công ty CP Cấp nước Sơn La
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Ngành Xây dựng 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, do thực hiện tốt việc xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công, tập trung triển khai dự án giao thông có tính chất kết nối liên vùng, thực hiện chương trình xóa nhà tạm...

Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế. Vì vậy, tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới giao thông từ thành thị đến nông thôn, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, lưu thông. Ông Đào Tài Tuệ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết: Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có tổng chiều dài trên 18.286 km. Từ đầu năm, Sở đã rà soát, tham mưu chấp thuận điều chỉnh bổ sung quy hoạch một số tuyến đường để đầu tư đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Nổi bật, dự án giao thông quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, như: Tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), dự án cải tạo nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản.

Thi công sửa chữa tuyến đường quốc lộ 279D đoạn qua huyện Quỳnh Nhai
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Về chương trình đường đến trung tâm xã được cứng hóa, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường nối quốc lộ 37, huyện Bắc Yên với quốc lộ 279D, huyện Mường La, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2024, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Thúc đẩy ngành mũi nhọn

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành đưa ra nhiều giải pháp cụ thể; triển khai chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Chỉ số toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 1,5%, trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến nông sản tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: Chè sơ chế tăng 22,2%; sữa tươi tiệt trùng tăng 8,1%; đường kính tăng 4,7%; tinh bột sắn tăng 1,5%. Giá trị hàng nông sản chế biến tham gia xuất khẩu ước đạt 95,1 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Cà phê, chè, sắn, chuối, xoài…

Công nhân Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La vào vụ chế biến nhãn
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Về phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, đến nay, diện tích cà phê toàn tỉnh là 20.782 ha, trong đó, 17.717 ha cho thu hoạch, sản lượng cà phê nhân 6 tháng qua đạt 1.300 tấn; tỉnh có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp. Ngoài ra, diện tích chè hiện có 5.857ha; 10.136 ha mía; 42.093 ha sắn...

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chế biến rau, quả DOVECO tại huyện Mai Sơn, cho biết: Tổng diện tích các loại cây trồng thực hiện trồng và ký liên kết với Doveco Sơn La phục vụ nguyên liệu cho nhà máy đến nay là 408,8 ha trong đó: cây dứa 236,4 ha; chanh leo 96 ha, ngô ngọt 37,5 ha. Tổng sản lượng các loại cây trồng trong vùng nguyên liệu đã thu hoạch lũy kế đến nay là 551 tấn, trong đó: chanh leo 147 tấn, ngô ngọt 90 tấn, rau chân vịt 314 tấn.

Phân loại xoài đưa vào sản xuất tại Trung tâm chế biến rau, quả DOVECO
Ảnh: Nguyễn Yến

Còn vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến của Công ty TNHH IC FOOD Vân Hồ, đang duy trì hoạt động chế biến các sản phẩm bắp cải, cải ngọt, cà rốt, cải thảo ngâm muối. Trong 6 tháng đầu năm, số lượng nguyên liệu đưa vào chế biến 1.094 tấn rau, gồm bắp cải 361 tấn, cải bẹ 84 tấn, cà rốt 309 tấn, cải ngọt 172 tấn, cải thảo 167 tấn.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thời gian tới, các ngành chức năng cần rà soát, phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lớn của tỉnh. Đồng thời, các huyện, thành phố tập trung triển khai các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm nông sản chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhất là quan tâm, đánh giá, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Bà Ngô Thị Thu, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết: Để tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế và thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.

Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Sản xuất vật liệu và xây dựng Hùng An Mai
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Hiện nay, tỉnh tập trung rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính trong giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao; kiên quyết không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả. Chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động...

Đồng thời, tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí cho xã hội; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông trong tất cả các hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới