Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết nắng nóng, mưa bất thường khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm, đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, huyện Sông Mã triển khai nhiều giải pháp nhằm tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Giọng nữ

Mô hình nuôi gà đẻ trứng được áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Ảnh: PV

Trang trại nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ cao của gia đình chị Trần Thị Yến, bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương có quy mô trên 400m2, được đầu tư hệ thống quạt gió, điện, giàn làm mát, máng ăn, nước uống, mái chống nóng và xây dựng tường bao quanh. Chị Yến nói: Gia đình tôi hiện có 4.500 con gà đẻ trứng. Thời điểm này, trời nắng nóng, đàn gà dễ xuất hiện dịch bệnh, nên tôi thường xuyên phun thuốc khử trùng định kỳ khu vực chuồng; xử lý chất thải bằng các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường. Thực hiện tiêm vắc xin cho gà đúng lịch, đủ liều. Do vậy, từ năm 2023 đến nay, đàn gà không bị dịch bệnh.

Hộ chăn nuôi xã Chiềng Khương kiểm tra trứng trước khi xuất bán.

6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Sông Mã đã xuất hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra tại 2 hộ, ở bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu, với 10 con lợn mắc bệnh, trọng lượng 464 kg. Ngay khi phát sinh ổ dịch, huyện phân bổ, cấp 39 lít hóa chất và 300 kg vôi bột cho các hộ dân chủ động khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, tránh để lây lan diện rộng. Đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh đúng quy định. Tuyên truyền, tổ chức cho các hộ chăn nuôi lợn ký cam kết thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt cho lợn ăn). Đến nay, huyện đã công bố hết dịch trên địa bàn xã Nà Nghịu.

Chị Nguyễn Thị Hoài, bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu, cho biết: Đầu tháng 2, đàn lợn nái của gia đình có dấu hiệu tiêu chảy, sốt. Ban đầu là 2 con lợn nái, vài ngày sau 10 con lợn thịt cũng có dấu hiệu bị bệnh. Cơ quan chuyên môn của huyện đã kịp thời kiểm tra và thực hiện các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch tả lợn châu Phi; lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Tôi đã phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, rắc vôi bột. Dự kiến vài tháng nữa, gia đình tôi mới tái đàn.

Nông dân xã Chiềng Khương nuôi lợn hàng hóa.

Đến nay, toàn huyện Sông Mã có 187.424 con gia súc, hơn 1 triệu con gia cầm. Bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, các địa phương trong huyện tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi hiểu đúng, hiểu rõ về tình hình dịch bệnh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đàn gia súc, gia cầm; sớm phát hiện, khai báo dịch bệnh gia súc, gia cầm và để phương án chữa trị kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã, cho hay: Đơn vị chú trọng triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả cho đàn gia súc, gia cầm. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiêm phòng các loại vắc xin vụ xuân - hè theo kế hoạch năm; tuyên truyền nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho đàn vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, đã tiêm 6.305 liều vắc xin lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng cho đàn đại gia súc; cấp 800 lít dung dịch khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi tại 19 xã, thị trấn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ trên địa bàn.

Xã Chiềng Sơ có đàn lợn nhiều nhất huyện với hơn 8.000 con; trong đó, 20 hộ nuôi lợn trang trại, gia trại từ 50-100 con. Ông Trần Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Hằng năm, xã xây dựng kế hoạch tiêm phòng, thống kê, rà soát số lượng đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi nâng cao nhận thức, chấp hành và tạo điều kiện cho cán bộ thú y tiêm phòng thuận lợi. Tỷ lệ tiêm phòng trên đàn vật nuôi toàn xã đạt trên 95%/năm.

Nhân dân xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Ảnh: PV

 

Thời tiết nắng nóng, nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ phát sinh, lây lan, như: Cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục trên trâu, bò, lở mồm long móng,... Các trang trại chăn nuôi, hộ gia đình cần theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi, phát hiện sớm gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh, thông báo kịp thời cho lực lượng thú y và địa phương để có biên pháp cách ly, điều trị, không để lây lan.

Các cơ quan chuyên môn  tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, quản lý về giống vật nuôi, hành nghề, buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện. Triển khai vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, điểm giết mổ, các chợ buôn bán sản phẩm gia súc, vùng có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao nhằm hạn chế sự phát tán, phơi nhiễm mầm bệnh.

Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, huyện Sông Mã tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát, không để dịch bệnh tái phát, lây lan, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hiền Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới