Thuận Châu triển khai phương pháp STEAM cho bậc mầm non

Định hướng xây dựng môi trường học tập lấy trẻ làm trung tâm, một số cơ sở giáo dục mầm non huyện Thuận Châu đã áp dụng phương pháp giáo dục STEAM trong dạy học, kích thích sự chủ động, sáng tạo của trẻ.

Một giờ học trải nghiệm theo phương pháp giáo dục STEAM tại trường mầm non Sơn Ca thị trấn Thuận Châu.

Phương pháp STEAM là phương pháp giảng dạy tích hợp nhằm trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng liên quan đến 5 lĩnh vực là khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán học cho học sinh mầm non. Lợi ích nổi bật mà phương pháp giáo dục STEAM mang lại cho trẻ mầm non chính là giúp các em phát triển khả năng sáng tạo. Chương trình giáo dục STEAM tạo môi trường vừa học vừa chơi, mang đến không khí học tập vui vẻ, sôi nổi thông qua những tiết học lý thuyết kết hợp thực hành thú vị, nhờ vậy các bé có thể tiếp thu dễ dàng kiến thức. Giáo dục STEAM còn truyền cảm hứng học tập đến các bé, khơi gợi khả năng sáng tạo và niềm đam mê ham học hỏi, khám phá điều mới ở trẻ. Trẻ sẽ chủ động hơn trong việc tìm hiểu kiến thức, phát huy tối đa khả năng tư duy logic và năng lực giải quyết vấn đề.

Tham dự giờ học thực hành theo phương pháp giáo dục STEAM của Trường mầm non Sơn Ca, thị trấn Thuận Châu, hôm nay, cô và trò lớp mẫu giáo lớn B cùng nhau làm thiệp hình bông hoa, không khí lớp học rất sôi nổi, các em hào hứng bởi được tự do sáng tạo làm thiệp theo ý mình. Cô giáo Lường Thị Thu Thảo, chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn B, chia sẻ: Mỗi giờ học theo phương pháp giáo dục STEAM, học sinh được trải nghiệm, sáng tạo nhiều hơn. Giáo viên hướng dẫn, còn lại các con nêu ra ý tưởng và thực hành theo sở thích của mình, nên mỗi tiết học STEAM luôn diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, hào hứng.

Cô Huỳnh Thị Hải, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Mục tiêu của phương pháp STEAM là trẻ biết kết hợp kiến thức các môn học, thực hành, trải nghiệm; vận dụng những kiến thức đã học tạo ra sản phẩm. Bắt đầu năm học 2022-2023, nhà trường khuyến khích giáo viên chủ động, mạnh dạn trong tổ chức các hoạt động thực hành, khám phá trải nghiệm cho trẻ, chỉ đạo giáo viên tự chủ động học tập kinh nghiệm trên mạng Internet, sáng tạo ra các tiết dạy STEAM phù hợp với điều kiện, tận dụng những đồ dùng, vật dụng sẵn có, tái sử dụng để đưa vào các tiết học. Với cách tiếp cận giáo dục STEAM, giáo viên năng động, sáng tạo hơn, học sinh thực hành trải nghiệm, say mê, hoạt bát, nhanh nhẹn hơn, phụ huynh vui mừng, phấn khởi nhìn thấy những sản phẩm con mình làm ra, biết được hàng ngày con học những gì, làm những gì và đồng hành, hợp tác với nhà trường.

Triển khai phương pháp giáo dục STEAM, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã cử cán bộ, chuyên viên quản lý và giáo viên dạy lớp 5 tuổi tham gia lớp tập huấn phương pháp STEAM do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Bắt đầu năm học 2022-2023, một số trường mầm non áp dụng triển khai một số tiết học tại các lớp mầm non 5 tuổi. Qua triển khai thực tế tại một số trường, trẻ rất thích được tham gia các hoạt động trải nghiệm theo hướng tiếp cận của phương pháp giáo dục STEAM. Trong các tiết học, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, gợi mở và tạo các cơ hội cho trẻ tiếp cận các khái niệm mới ở nhiều góc độ, mức độ khác nhau, tạo môi trường thân thiện, kích thích sự chủ động, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ.

Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho hay: Toàn huyện hiện có 29 trường mầm non, những năm qua, phòng Giáo dục huyện luôn quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc nuôi dạy trẻ. Mặc dù đã được triển khai áp dụng thử tại một số trường, song phương pháp STEAM là phương pháp giáo dục mới, chưa được thực hiện, ứng dụng nhiều trong các tiết học bậc mầm non trên địa bàn huyện.

Thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ tổ chức sinh hoạt chuyên môn cụm, xây dựng hoạt động, tiết học mẫu giáo dục STEAM, để giáo viên mầm non đưa ra phương pháp giáo dục STEAM phù hợp với thực tế ở từng trường, từng lớp và chủ động áp dụng, hiệu quả sẽ nhân rộng thí điểm và triển khai thực hiện trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành, nhằm đáp ứng yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, mở rộng khả năng tiếp cận, cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục, hình thành nhân cách, kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ bước vào những cấp học tiếp theo.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới