Hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh

Tạo môi trường khám, chữa bệnh hiện đại, hướng đến bệnh viện không giấy tờ; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin; tối ưu quy trình khám, chữa bệnh nhanh - gọn - chính xác, giảm thời gian, khối lượng thủ tục hành chính… Đây là những mục tiêu mà ngành Y tế và các bệnh viện trong tỉnh đang thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sở Y tế triển khai công tác chuyển đổi số.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Đơn vị đã thành lập các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, như tổ chính quyền số; tổ xã hội số, kinh tế số, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được tỉnh giao. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền, triển khai các hoạt động chuyển đổi số, các đề án, nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chủ trương, chính sách pháp luật, chiến lược về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước. Sở đã xây dựng chuyên mục "Chuyển đổi số” trên cổng thông tin điện tử theo địa chỉ http://soyte.sonla.gov.vn,  thường xuyên đăng tải các bài viết, tin tức nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi số để cán bộ và nhân dân tìm hiểu.

Đến nay, 100% các đơn vị trong ngành Y tế ứng dụng chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành (tỷ lệ ký số trong toàn ngành đạt hơn 60%). 100% thủ tục hành chính thực hiện trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh. Toàn bộ các hồ sơ, kết quả giải quyết được số hóa. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành có phát sinh hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Một số cơ sở y tế đã thực hiện hóa đơn điện tử, tạo thuận lợi trong việc quản lý, rút ngắn thời gian bệnh nhân phải chờ đợi thanh toán. Các bệnh viện xây dựng và đầu tư hệ thống bấm số xếp hàng đăng ký khám bệnh, vào phòng khám bệnh.

Sở Y tế làm việc với các đơn vị về kết quả xây dựng đề án bệnh viện thông minh đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế ban hành Quyết định thành lập tổ công tác xây dựng “Bệnh viện thông minh” tỉnh Sơn La. Thành lập tổ tư vấn soạn thảo đề án, trong đó đồng chí giám đốc bệnh viện là tổ trưởng; phối hợp với Công ty tư vấn khảo sát thực trạng của bệnh viện làm căn cứ xây dựng đề án. Triển khai thí điểm xây dựng Đề án bệnh viện thông minh đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên và Bệnh viện đa khoa Mộc Châu. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các đơn vị triển khai thí điểm đi tham quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng bệnh viện thông minh tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hòa Bình. Đây là mô hình bệnh viện không cần dùng giấy tờ, sổ sách, mọi quy trình được số hóa toàn bộ, đảm bảo an toàn, bảo mật. Người bệnh có thẻ thông minh giúp giảm thời gian xếp hàng, chờ đợi (khi đến khám, chữa bệnh thực hiện mọi thủ tục đăng ký khám bằng cách quẹt thẻ). Bệnh án điện tử giúp các bác sĩ truy cập bệnh án của người bệnh nhanh, đầy đủ và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Thạc sỹ, bác sỹ Mai Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, thông tin: Được chọn điểm xây dựng bệnh viện thông minh, Bệnh viện đã nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lý bệnh viện thông qua hệ thống công nghệ thông tin, như triển khai thực hiện hóa đơn điện tử; hệ thống bấm số xếp hàng đăng ký khám bệnh, vào buồng khám bệnh. Đồng thời, triển khai hệ thống lưu trữ hình ảnh (PACS) và hệ thống chữ ký điện tử. Thực hiện số hóa các nội dung trong quản lý khám chữa bệnh như trả kết quả xét nghiệm qua hệ thống LIS, chẩn đoán hình ảnh qua hệ thống RIS liên thông với hệ thống phần mềm HIS, giúp giảm thời gian chờ đợi và chính xác với từng bệnh nhân.

 

Hướng dẫn bệnh nhân lấy số tự động khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

Với việc áp dụng chuyển đổi số đã giúp Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh từng bước nâng cao hiệu suất công việc. Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Doãn, Trưởng khoa, chia sẻ: Hiệu quả của chuyển đổi số đó là triển khai hệ thống lưu trữ hình ảnh (PACS) và hệ thống chữ ký điện tử với tiện ích bệnh nhân sau khi chụp Xquang, CT Scaner, cộng hưởng từ thì hình ảnh sẽ được truyền tải lên hệ thống để các bác sỹ có thể trực tiếp xem và hội chẩn, tăng độ chính xác giảm chi phí in phim và rút ngắn thời gian trả kết quả. Bên cạnh đó, Bệnh viện trang bị hệ thống hội chẩn với các bệnh viện tuyến Trung ương qua các phần mềm, đã giúp các ca bệnh nặng được xử lý kịp thời, dễ dàng chẩn đoán bệnh, người bệnh không phải di chuyển xa và kịp thời can thiệp chữa bệnh.

Bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh theo số tự động.

Bệnh viện đa khoa Mộc Châu chủ động xây dựng, hoàn thiện đề án Chuyển đổi số bệnh viện, tiến tới xây dựng bệnh viện thông minh. Ông Trịnh Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết: Năm 2022, Bệnh viện đã đưa vào vận hành và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, với khả năng tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho toàn bộ cán bộ, viên chức. Số hóa 80% hồ sơ bệnh án, tiến tới triển khai hoàn thiện bệnh án điện tử - EMR. Tiếp tục triển khai việc kết nối liên thông 2 chiều giữa các hệ thống EMR - HIS - LIS - PACS,... góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đã giúp bệnh viện tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất khám, chữa bệnh, với mục tiêu nhanh, chính xác và thuận lợi; tạo tiền đề để xây dựng y tế thông minh, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Tuy nhiên, các cơ sở y tế trong tỉnh mong muốn được Nhà nước quan tâm bổ sung kinh phí đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, phần cứng, phần mềm đồng bộ; nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng máy móc hàng năm..., phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới