Nhân rộng các mô hình kinh tế ở vùng cao Thuận Châu

Thuận Châu có 6 xã vùng cao: Co Mạ, É Tòng, Long Hẹ, Mường Bám, Co Tòng và Pá Lông, trên 97% là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm qua, huyện đã huy động các nguồn lực hỗ trợ nhân dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng thí điểm nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng.

Tháng 7/2022, gia đình anh Lường Văn Thắm, bản Nà Cẩu, xã Mường Bám, đăng ký mô hình trồng 6.000 m2 dứa Queen, do huyện Thuận Châu phối hợp với Trung tâm Chế biến rau quả Doveco triển khai. Anh Thắm chia sẻ: So với trồng ngô, sắn thì trồng dứa Queen đơn giản, dễ chăm sóc, lại chống xói mòn đất dốc, phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của vùng cao. Vườn dứa của gia đình tôi đang chuẩn bị ra quả, hơn 2 tháng nữa là cho thu hoạch. Công ty đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm quả dứa cho các hộ dân trong xã.

Mô hình trồng dứa Queen của nông dân bản Nà Cầu.

Ông Lường Văn Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bám, thông tin: Ngoài mô hình dứa, từ năm 2021 đến nay, xã được các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai mô hình trồng cây gai xanh, cây ăn quả trên đất dốc, trồng lúa hữu cơ, lúa lai và trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc. Các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả và được nhân dân làm theo. Hiện nay, toàn xã có 17 ha cây gai xanh, 180 ha xoài, trong đó hơn 100 ha đã cho thu hoạch, năng suất từ 6-8 tấn/ha. Xã đã liên kết với HTX Thanh Sơn, huyện Mai Sơn bao tiêu sản phẩm. Các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Bám từ gần 44,6% năm 2021, xuống còn 39% năm 2022.

Tại xã É Tòng, tiêu biểu là mô hình nuôi gà H'Mông thả vườn, đồi theo hướng an toàn sinh học. Với 3.500 con gà hỗ trợ cho 5 hộ dân tại bản Nà Muông, Nà Hem và bản Tở từ cuối năm 2021, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng, các hộ đóng góp gần 120 triệu đồng, còn lại là ngân sách Nhà nước hỗ trợ. 

Anh Lò Văn Pâng, bản Tở, xã É Tòng, phấn khởi: Gia đình tôi được hỗ trợ 1.000 con gà. Chúng tôi được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Sau 4 tháng, gia đình xuất bán gần 1 tấn thịt gà hơi, với giá từ 100-120 nghìn đồng/kg, thu hơn 100 triệu đồng. Tôi và các hộ được hỗ trợ gà đã thành lập HTX Nông nghiệp sinh thái EFRAM. Hiện nay, HTX có 10 thành viên, nuôi từ 5.000 đến 6.000 con gà/lứa. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, HTX xuất bán gần 10 tấn gà hơi, thu lãi hơn 600 triệu đồng. Sản phẩm thịt gà của HTX được thị trường các tỉnh trong cả nước ưa chuộng.

Thành viên HTX Nông nghiệp sinh thái EFRAM nhân rộng mô hình nuôi gà H'Mông.

Với mục tiêu huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư thực hiện phát triển KT-XH các xã vùng cao, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập so với bình quân chung của huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thuận Châu đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 4/3/2021 về phát triển kinh tế - xã hội 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các xã tổ chức triển khai, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

UBND huyện đã xây dựng các mô hình điểm về trồng trọt và chăn nuôi cho các xã vùng cao. Đã triển khai trồng 9 ha cây khôi nhung, gừng trâu, vừng đen tại các xã Pá Lông, Long Hẹ, Mường Bám; 16,5 ha dứa nguyên liệu cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại Co Mạ, Mường Bám; 18,5 ha lúa theo hướng hữu cơ, 5 ha lúa lai tại xã Mường Bám, Co Mạ, É Tòng; triển khai mô hình nuôi gà H'Mông tại xã É Tòng.

Bên cạnh đó, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai dự án phát triển cây dược liệu, gắn với xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm. Đến nay, đã trồng mới 61 ha cây dược liệu các loại. Đồng thời, phối hợp với Công ty TNHH HTM Dragon Việt Nam trồng 17 ha cây gai xanh tại xã Mường Bám (12 ha đã bắt đầu cho thu hoạch). Tuyên truyền, vận động thành lập mới 5 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp tại xã Long Hẹ, Mường Bám, É Tòng. Đã triển khai hỗ trợ xây dựng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, in bao bì sản phẩm, với tổng kinh phí 610 triệu đồng.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu hướng dẫn kỹ thuật trồng xoài cho bà con xã Mường Bám.

Việc triển khai nghị quyết chuyên đề phát triển KT-XH của huyện đã đổi thay nếp nghĩ, cách làm của nhân dân.  Bà con 6 xã vùng cao đã trồng trên 1.500 ha cây ăn quả các loại, gồm: Chanh leo, dứa, xoài, mận hậu; chăn nuôi hơn 15.000 con trâu, bò, dê, trên 11.200 con lợn, hơn 54.100 con gia cầm, trên 100 ha nuôi trồng thủy sản. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của 6 xã vùng cao còn gần 44,3%, giảm 12,3% so với năm 2021.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Huyện đang triển khai lồng ghép các dự án, chương trình để xây dựng các mô hình hỗ trợ sản xuất cho nhân dân các xã vùng cao. Thực hiện các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn, nhất là tại các xã có tiềm năng, lợi thế về phát triển trồng rừng kinh tế, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gắn với cơ sở sơ chế sản phẩm nông nghiệp, du lịch sinh thái... Tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với phát triển sản xuất cho lao động nông thôn.

Dù còn không ít khó khăn, thách thức, song, nhân dân các xã vùng cao Thuận Châu đã và đang tập trung phát triển KT-XH, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Châu nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Nguyễn THư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới