Ăn rừng - ngủ rừng, chuyện của nhà báo điều tra

Đã 22 năm công tác tại Báo Sơn La, cũng là ngần ấy năm tôi được rèn luyện trong môi trường làm việc không ít những áp lực bởi những đề tài nhạy cảm. Trong quãng thời gian đó, đã có nhiều thời gian tôi và nhiều phóng viên gắn bó với rừng, ăn ngủ cùng rừng để có những bài điều tra đưa ra trước công chúng.

Phóng viên tác nghiệp tại rừng đặc dụng Tà Xùa, huyện Bắc Yên.

Những cánh rừng miền Tây Bắc có các loại động thực vật đa dạng, phong phú, nhưng cũng là nơi tiềm ẩn những nguy hiểm bởi địa hình phức tạp, bất cứ lúc nào tính mạng các phóng viên “rừng” cũng có thể bị đe dọa do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nhiều cánh rừng nguyên sinh rộng và khó đi đến nỗi “chim bay mỏi cánh”, nhưng đối với những người làm báo như chúng tôi đều không quản ngại những khó khăn ấy để có những bài điều tra, phóng sự, những hình ảnh chân thực nhất về tình trạng khai thác gỗ, phá rừng để giữ bình yên cho đại ngàn.

Chẳng nhớ nổi bao nhiêu khu rừng tôi đã đặt chân đến. Với một ý thức rằng trách nhiệm là bảo vệ rừng trước sự xâm lấn của con người. Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Biên tập, tôi luôn quyết tâm tìm kiếm nguồn thông tin liên quan đến xâm hại rừng để phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Còn nhớ năm 2012, khi nhận được thông tin về tình trạng khai thác gỗ, phá rừng trái phép xảy ra tại bản Co Lắc, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu. Tuy nhiên, để tiếp cận khu rừng này không dễ bởi rất khó tìm được người thông thạo địa bàn và là người không ngại sự trả thù của lâm tặc. Tôi đã tìm đến sự giúp đỡ của Bí thư chi bộ bản thời điểm đó là anh Tánh Lao Sứ để thuyết phục được anh dẫn tôi đi thực địa. Anh Sứ đã huy động một tốp dân quân bản đi để bảo vệ, cắt cử người trông xe đề phòng bị lâm tặc cắt rách lốp xe, đẩy xuống vực. Chỉ trong buổi sáng thực tế trong khu rừng này tôi đã thấy hàng chục gốc cây có đường kính khoảng 40-60cm vừa bị hạ, vết cưa vẫn còn mới. Lâm tặc đã phát hiện ra chúng tôi nên đã rời đi để lại những gốc cây vẫn đang rỉ nhựa. Khi tác phẩm “Rừng Co Lắc đang chảy máu” được đăng tải, cơ quan chức năng huyện Yên Châu đã vào cuộc giải quyết sự việc.

Phóng viên Báo Sơn La tác nghiệp điều tra khai thác gỗ trái phép tại khu rừng đặc dụng Copia, huyện Thuận Châu.  

Hoặc trong một lần thâm nhập hiện trường khai thác gỗ trái phép trên địa bàn bản Tà Phình, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu. Tôi đã phải “cải trang” thành... lâm tặc và thật may mắn là tôi lại được chính lâm tặc ở bản này dẫn đến hiện trường xẻ gỗ. Lần ấy, phải vượt qua cả chục cây số đường rừng, với núi đá tai mèo sắc nhọn. Vừa vượt núi, vừa phải âm thầm tác nghiệp, bởi nếu chỉ chút sơ hở là tôi có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Như một lâm tặc thực thụ, nhóm lâm tặc “xịn”  không nghi ngờ tôi, chúng còn “trình diễn” khả năng xẻ ván bằng cưa máy cho tôi xem một cách điệu nghệ. Ngay hôm đó, tôi đã làm việc với cơ quan chức năng huyện, vụ việc cùng các đối tượng cũng đã bị xử lý. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra tôi là nhà báo, họ đã “mò” ra số điện thoại của tôi rồi nhắn tin, gọi điện dọa sẽ tìm để “xử lý”...

Lần tác nghiệp phải ngủ lại rừng đầu tiên của tôi chính là lần chinh phục đỉnh U Bò của bản Chống Tra, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, để mang ra khỏi rừng những tấm ảnh đẹp về khu rừng đầy vẻ huyền bí này. Đỉnh núi này còn gắn với cái tên Tam giác quỷ là bởi khu vực này có nhiều đỉnh núi cao “chọc trời”, mây phủ quanh năm, cách đây hơn 60 năm, đã từng có máy bay thời chiến tranh đâm vào núi.  Khi màn đêm dần buông xuống đỉnh U Bò, sương mù nhanh chóng kéo về phủ kín khu rừng, nhiệt độ hạ xuống rất thấp. Bữa cơm tối của chúng tôi diễn ra giữa rừng bên ánh lửa bập bùng, cùng với hàng trăm loại côn trùng bay lượn. Sau bài viết “Kỳ vĩ đỉnh U Bò”, đã có nhiều du khách tìm đến để thưởng ngoạn vẻ đẹp của đỉnh núi này. Điều đáng mừng là chính sự kết hợp du lịch với công tác bảo vệ rừng nên khu rừng đặc dụng này đã hạn chế được tình trạng xâm hại của lâm tặc.

Đã nhiều lần phải ngủ lại rừng, nhưng có lẽ với tôi là chuyến thực hiện bài điều tra về khai thác gỗ trái phép vào năm 2022 trên địa bàn xã Huổi Một, huyện Sông Mã. Chúng tôi phải xuyên rừng trong cơn mưa xối xả, ngược lên đỉnh núi gần 2.000m và phát hiện ra bãi xẻ gỗ của lâm tặc. Sau khi lấy đủ hình ảnh, chúng tôi tranh thủ gỡ lũ vắt đang bám đầy trên người, rồi nấu mì tôm ăn tạm và dựng lều để ngủ qua đêm. Lần ngủ rừng này dưới trời mưa tầm tã, gió lớn gào thét trên ngọn cây, nước suối gầm lên dữ dội, tia sét xé ngang bầu trời đen kịt khiến tôi không thể nào ngủ được. Hôm sau, qua tìm hiểu thì mới biết trong rừng đó có nhiều đối tượng nghiện ma túy được thuê để vác gỗ, họ rất manh động; trước đây, cũng đã có đối tượng dùng súng chống trả lại lực lượng chức năng. Chúng tôi đã gặp may mắn chính cơn mưa rừng đã che chở cho chúng tôi...

Báo Sơn La đã trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành. Trong quá trình ấy, chúng tôi luôn tự hào đã góp phần làm tăng lên sức mạnh của từ báo Đảng, để cùng bảo vệ những cánh rừng, bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.

Bài, ảnh: Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới