Cây sơn tra còn được gọi là cây táo mèo, là loài cây có sức sống mãnh liệt, dù sống trong điều kiện vùng đồi núi cao, thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn vươn lên, đơm hoa kết trái.

Trước đây, cây sơn tra mọc tự nhiên trên các vùng đồi, núi. Mùa quả chín, người dân hái về ăn như món quà vặt, làm thuốc, hay ngâm rượu…Vào những năm 1990 của thế kỷ trước, tỉnh Sơn La vận động nhân dân trồng cây sơn tra thay thế cây thuốc phiện, tại các xã vùng cao của ba huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, vừa trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, vừa giúp người dân phát triển kinh tế.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 12.000 ha cây sơn tra đã phủ kín nương đồi và trở thành cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở vùng cao. 

Hàng năm, cứ vào độ tháng 3, hoa sơn tra nở rộ, các bản làng được bao phủ bởi màu trắng tinh khôi, thuần khiết. Vẻ đẹp của hoa sơn tra được ví như thiếu nữ Mông miền sơn cước, tự nhiên, bình dị, tràn đầy sức sống, thu hút biết bao du khách tìm về trải nghiệm và lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ. 

Khai thác tiềm năng, lợi thế đó, huyện Mường La đã phối hợp với huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, tổ chức Ngày hội hoa sơn tra, nhằm hiện thực hóa các nội dung liên kết, hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc theo Biên bản ghi nhớ giữa Huyện ủy các huyện: Mường La, Bắc Yên (tỉnh Sơn La) và Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái).

Trong khuôn khổ Ngày hội Hoa sơn tra huyện Mường La năm 2023, lần đầu tiên được tổ chức tại xã Ngọc Chiến, hoạt động trải nghiệm ngắm hoa sơn tra tại bản Nậm Nghẹp thu hút đông đảo du khách tham gia. 

Đến Nậm Nghẹp, không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm những bông hoa sơn tra trắng muốt tinh khôi, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống giản dị, cảm nhận sự gần gũi, thân thiện, mến khách của người dân vùng cao nơi đây.

Với 800 ha cây sơn tra cổ thụ, tuổi đời vài trăm năm, giờ đây, loài cây này không chỉ mang lại nguồn thu từ quả, mà vẻ đẹp cuốn hút của mùa hoa còn mang lại giá trị kinh tế từ phát triển du lịch cho đồng bào dân tộc Mông đã bao đời gắn bó với vùng đất này.

Điều đáng mừng hơn là sau khi tổ chức Ngày hội hoa sơn tra, du khách đã biết nhiều hơn về Ngọc Chiến, về Nậm Nghẹp.

Việc tổ chức thành công Ngày hội hoa sơn tra tại huyện Mường La cho thấy tiềm năng du lịch từ mùa hoa sơn tra. Không chỉ Mường La mà các huyện có diện tích sơn tra lớn cần tận dụng lợi thế này để tạo sản phẩm du lịch độc đáo; phát huy giá trị cây sơn tra, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho đồng bào các dân tộc ở các xã, bản vùng cao trong tỉnh.  

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Bạn có thể quan tâm