Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu: Khẳng định vị thế và niềm tin đối với khách hàng

Một năm trôi qua, phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhưng “con thuyền” Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu (NCF) không những vững vàng vượt qua sóng gió, mà còn chứng tỏ là tổ chức tín dụng có năng lực tài chính mạnh, tích cực chia sẻ lợi ích, giúp đỡ khách hàng có nguồn vốn kịp thời để đầu tư ổn định sản xuất, kinh doanh.

 

 

Lãnh đạo Quỹ Tín dụng hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo xã Tân Lập (Mộc Châu).  

 

Quỹ Tín dụng đã thực hiện nghiêm “nhiệm vụ kép” là chung tay phòng, chống dịch bệnh và ổn định kinh doanh tiền tệ. Là nơi tập trung đông người, nên Quỹ Tín dụng đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an toàn phòng dịch. Luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng chống dịch, nhất là thời điểm giãn cách xã hội, Quỹ đã chủ động phối hợp với đơn vị chức năng phun khử khuẩn toàn bộ trụ sở chính và các phòng giao dịch; tổ chức cán bộ đi làm luân phiên và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế; bố trí dung dịch sát khuẩn tại khu vực giao dịch; phát khẩu trang miễn phí và hướng dẫn khách hàng đến giao dịch thực hiện giãn cách an toàn. Quỹ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giao dịch, đảm bảo nhanh chóng, tiện lợi và chính xác. Phương thức huy động tiền gửi và cho vay linh hoạt được Quỹ thực hiện từ nhiều năm nay lại càng chứng tỏ sự hiệu quả, giúp cho đơn vị chủ động, không bị lúng túng khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Đó là thực hiện triệt để phương châm “Một lần đến vay, nhận ngay tiền về”, giúp người đến giao dịch tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, sớm có tiền đầu tư sản xuất, kinh doanh. Việc huy động tiền gửi của khách hàng ngay tại nhà cũng được áp dụng nhiều hơn bằng cách tăng cường cán bộ đến cơ sở, không những giúp khách hàng gửi tiền thuận tiện mà còn giảm tập trung đông người.

 

Chính sách cho vay và nhận tiền gửi cũng được điều chỉnh linh hoạt, giảm lãi suất hài hòa giữa đơn vị và lợi ích khách hàng và đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể, như: Giảm lãi suất cho vay đối với tất cả các hồ sơ tín dụng nhằm hỗ trợ thành viên vay vốn trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Đây là chính sách đậm chất nhân văn của Quỹ, thể hiện trách nhiệm với hơn 9.300 thành viên, nhất quán nguyên tắc “4 cùng” (cùng mục tiêu, cùng tham gia quản lý, cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng hưởng lợi) và khẩu hiệu “Uy tín quý hơn vàng” xuyên suốt từ khi thành lập 1996 đến nay.

 

Với những giải pháp hiệu quả, Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu vẫn đạt được những kết quả quan trọng trong năm 2020. Đến 31/12, tổng nguồn vốn hơn 1.339 tỷ đồng; số tiền gửi 1.212 tỷ đồng; dư nợ cho vay 1.146 tỷ đồng; doanh số chuyển tiền 223 tỷ đồng; nợ quá hạn là 3,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,3%; không có nợ xấu; dịch vụ chuyển tiền đạt doanh số 223 tỷ đồng. Bên cạnh chú trọng phát triển kinh doanh dịch vụ tiền tệ, Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu còn là một những đơn vị điển hình của huyện Mộc Châu về công tác an sinh xã hội. Riêng năm 2020, Quỹ đã ủng hộ trên 300 triệu đồng tặng quà các thương bệnh binh, gia đình có công trên địa bàn thị trấn Nông trường; trao tặng giải thưởng Tài năng trẻ cho các em học sinh có thành tích học tập cao của các trường THCS và THPT trên địa bàn Quỹ hoạt động; tặng quà Tết và hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo xã Tân Hợp, thị trấn Nông Trường, xã Tân Lập (Mộc Châu) và một số xã huyện Vân Hồ. Đặc biệt, đã ủng hộ 20 triệu đồng cho chương trình phòng, chống dịch COVID-19 của huyện Mộc Châu; ủng hộ 10 triệu đồng giúp đồng bào miền Trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả bão lụt, sạt lở đất...

 

Không đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số như mọi năm, nhưng năm 2020, Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu vẫn đảm bảo mục tiêu chung là xây dựng “Quỹ phát triển an toàn và bền vững”, khẳng định được vị thế và niềm tin đối với khách hàng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới