Quảng trường Tây Bắc - niềm tự hào của nhân dân Sơn La

Những ngày này, Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La rực rỡ cờ hoa đón du khách trong hành trình “về nguồn” kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 65 năm Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La.

Giọng nữ

“Trái tim” Quảng trường

Quảng trường Tây Bắc nằm ở trung tâm thành phố Sơn La, có quy mô 24 ha, là điểm kết nối với Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La và Trung tâm hành chính tỉnh. Quảng trường được xây dựng với các hạng mục: Sân trung tâm - nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh, Tượng đài Bác Hồ, bức phù điêu, Đền thờ Bác Hồ, Ao cá Bác Hồ, giếng nước Nhà tù Sơn La, sân lễ đài, 2 bức thạch văn, 2 đài phun nước và hệ thống đường bàn cờ với 79 ô cỏ tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác.

Ghi hình “Bước nhảy mùa xuân năm 2024” tại Quảng trường Tây Bắc.
Ảnh: PV

Đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Khắc ghi tình cảm của Bác Hồ kính yêu dành cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Trung ương Đảng và Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Sơn La xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại thành phố Sơn La. Công trình khánh thành ngày 7/5/2019, đúng dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương lên thăm và nói chuyện với đồng bào Tây Bắc tại huyện Thuận Châu. Tượng đài Bác Hồ là công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đối với Bác Hồ kính yêu.

Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nằm vị trí trung tâm Quảng trường Tây Bắc, là điểm nhấn kết nối với các công trình kiến trúc xung quanh. Tượng Bác cao uy nghi đúc từ hợp kim đồng trên bệ tượng đá xanh vững chắc. Chân dung Bác Hồ là hình ảnh của Bác vào thời điểm lịch sử Bác đứng trên kỳ đài Thuận Châu trong buổi mít tinh sáng 7/5/1959, với nét mặt, khuôn dung gần gũi, ân cần, giản dị; tay phải Bác giơ cao chào đồng bào.

Lễ báo công dâng Bác tại Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Tây Bắc, Thành phố Sơn La.

Sau tượng đài Bác Hồ là bức phù điêu lớn được làm từ đá xanh mô phỏng theo hình tượng bông hoa ban cách điệu có 5 cánh, loại hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Mặt trước phù điêu khắc họa các đặc trưng văn hóa, công trình lịch sử của 6 tỉnh Tây Bắc; giữa bức phù điêu là hình ảnh Điệu xòe đoàn kết - Điệu múa kết nối các dân tộc Tây Bắc. Mặt sau là hình ảnh các nét văn hóa, lịch sử, lễ hội đặc trưng của 6 tỉnh Tây Bắc... Cùng với đó là Đền thờ Bác Hồ được đặt trên khu vực đồi cảnh quan nhân tạo được trồng các loại cây mang đặc trưng vùng Tây Bắc luôn rợp bóng mát và bung hoa khoe sắc bốn mùa.

Ông Mùi Văn Sẹng, xã Tân Phong, huyện Phù Yên lần đầu tiên đến Quảng trường trào dâng niềm xúc động với bao tình cảm kính yêu dành cho Bác. Ông Sẹng nói: Bác Hồ luôn ở trong trái tim mỗi người. Hình ảnh của Bác giữa quảng trường bao la ngay trong lòng thành phố Sơn La xinh đẹp càng nhắc nhớ các thế hệ cháu con của mình phải luôn khắc ghi lời Bác để góp phần xây dựng quê hương Sơn La giàu đẹp hơn.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

5 năm qua, Quảng trường Tây Bắc là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa của khu vực Tây Bắc và tỉnh Sơn La, như: Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Tây Bắc tại Sơn La và khánh thành Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc; Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022; các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân trong dịp Tết Nguyên đán; Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023 và Chương trình “Bước nhảy mùa xuân 2024”...

Thí sinh thi hoa hậu du lịch thế giới tham gia vòng xoè đoàn kết tại Quảng trường Tây Bắc.

Quảng trường Tây Bắc những ngày tháng 5 lịch sử rực rỡ cờ, hoa, mỗi ngày đón hàng trăm lượt du khách từ khắp mọi nơi về thăm quan. Bà Nguyễn Hồng Thoa, đến từ thành phố Hải Phòng không giấu nổi sự xúc động, nói: Tôi năm nay hơn 70 tuổi, lần đầu tiên lên Tây Bắc, tôi rất bất ngờ vì thấy Quảng trường Tây Bắc to rộng và rất đẹp, từ không gian, kiến trúc, cảnh quan; các công trình thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào các dân tộc Sơn La - Tây Bắc dành cho Bác.

Với thế hệ trẻ, Quảng trường Tây Bắc trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng. Anh Vi Tuấn Bảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, chia sẻ: Thông qua các hoạt động, đã khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương và dân tộc; đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh, thiếu nhi. Đây là hình thức giáo dục trực quan, nhắc nhở thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quảng trường Tây Bắc còn là nơi lan tỏa giá trị, bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, hình ảnh đẹp về mảnh đất Sơn La giàu truyền thống cách mạng, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, con người thân thiện, mến khách.

Tới đây, du khách và người dân được hòa mình vào các sự kiện văn hóa, cùng với hàng trăm, hàng nghìn nghệ nhân, diễn viên chuyên và không chuyên đến từ đội văn nghệ quần chúng các xã, phường thành phố Sơn La thể hiện “Vũ điệu kết đoàn” do đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội sáng tác, được chắt lọc từ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống tại Sơn La và những điệu múa xòe của đồng bào dân tộc Thái, mang đậm tính đoàn kết, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Toàn cảnh Quảng trường Tây Bắc.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa to lớn, Quảng trường Tây Bắc - Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc có ý nghĩa đặc biệt trong lòng mỗi người dân Sơn La - Tây Bắc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau. Công trình thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và quyết tâm mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào trong trái tim mỗi người dân.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới