Pắc Ngà mùa xuân về

Chúng tôi lên chuyến thuyền muộn dưới chân cầu Tạ Khoa ngược dòng sông đà để về xã Pắc Ngà - một xã vùng lòng hồ khó khăn của huyện Bắc Yên. Nơi đây từng là vùng địa bàn hoạt động của cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiếp nối truyền thống cách mạng của cha ông, Pắc Ngà hôm nay đang nỗ lực vươn lên trong công cuộc xóa đói nghèo.

 

Những năm tháng của mật hiệu “99”

Khúc sông Đà chảy qua xã Pắc Ngà là nơi giao nhau của 3 huyện: Bắc Yên, Mai Sơn và Mường La. Với vị trí là giao điểm như vậy, nên giặc Pháp đã đặt đồn cùng nhiều chốt canh gác tại đây, hòng ngăn sự ảnh hưởng của cách mạng tới các xã ven sông Đà.

Bến thuyền bản Pắc Ngà, (Bắc Yên).

Theo lời kể của cụ Đinh Tôn, cán bộ lão thành cách mạng hoạt động ở các xã vùng cao thời kỳ đó, hiện đang cư trú tại thị trấn Bắc Yên. Tháng 5/1950, huyện ủy Phù Yên khi đó đã quyết định thành lập Đội vũ trang tuyên truyền với mật danh “PP”, gồm 9 đồng chí, trong đó, có 6 đảng viên do đồng chí Cầm Ngoan làm đội trưởng và kiêm tổ trưởng tổ đảng viên. Tiến lên xây dựng phong trào và lực lượng khu du kích tại vùng cao và bắt liên lạc với huyện Mường La. Đội đã tích cực hướng dẫn phát triển lực lượng nòng cốt ở Pắc Ngà và phối hợp với các tổ tự vệ ở Pắc Ngà, Chim Vàn nhanh chóng nắm địa bàn các bản người Mông. Tích cực bám dân và tuyên truyền cho đồng bào Mông về tội ác của thực dân, tay sai, chủ trương của Đảng, nhà nước và đường lối kháng chiến của ta và vận động nhân dân tham gia kháng chiến.

Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn được gặp cụ Lò Văn Nhung, bản Ảng, xã Pắc Ngà - một trong những thanh niên yêu nước thời bấy giờ ở Khu 99. Sau khi được giác ngộ cách mạng, cụ đã tình nguyện nhập ngũ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Mặc dù nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi nhắc về những ngày oanh liệt, vừa lao động sản xuất, vừa cùng gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng, chúng tôi thấy ánh mắt của cụ Nhung ngời sáng. Cụ Nhung kể: Cuộc sống của người dân dưới thời giặc Pháp cai trị khổ cực lắm. Giặc thường xuyên đến nhà người dân trong xã để tìm và bắt cán bộ, nhưng bà con cùng nhau đồng lòng nuôi giấu cán bộ, không để lộ thông tin gì cho giặc. Đến cuối năm 1953, đầu năm 1954, nhiều thanh niên ở xã, trong đó có tôi được giác ngộ cách mạng và đã cùng nhau xung phong nhập ngũ để góp sức đánh giặc.

Vượt khó vươn lên

Pắc Ngà còn nhiều khó khăn bởi giao thông cách trở, chủ yếu là đất đồi dốc và các khu bãi đá nên rất khó sản xuất. Khắc phục khó khăn, năm 2015, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo khai thác ruộng bán ngập ven sông, cải tạo và mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở các bản Pắc Ngà, Tà Ỉu. Sau 5 năm triển khai, người dân đã khai hoang trên 30 ha ruộng bán ngập ở bản Tà Ỉu; chở đất từ bản Lừm Thượng về bản Pắc Ngà để về cải tạo 35 ha khu bãi đá thành ruộng để sản xuất 2 vụ. Bên cạnh đó, xã còn tuyên truyền người dân đánh bắt thủy sản để tăng thu nhập.

Cụ Lò Văn Nhung chia sẻ những kỷ vật thời tham gia kháng chiến chống Pháp.

Lần này về Pắc Ngà, cảm nhận rõ sự thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Trên các nương đồi trước đây trồng ngô, trồng sắn, nay đang được thay thế bằng màu xanh của cây ăn quả, cây sơn tra; đàn trâu, bò được nuôi nhốt chuồng vỗ béo làm hàng hóa... Đồng chí Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã, chia vui: Hiện nay, Pắc Ngà đã có trên 312 ha cây ăn quả các loại, trong đó 50 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 400 tấn quả các loại/năm; sản phẩm chăn nuôi đã trở thành hàng hóa, với trên 33.600 con gia súc, gia cầm. Thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm Cuộc sống có nhiều bước chuyển, nên người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn xã đã có trên 4 km đường giao thông nội bản được cứng hóa, đạt 11/17 tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

Để tận mắt chứng kiến sự nỗ lực trong xây dựng cuộc sống mới của người dân Pắc Ngà, chúng tôi đến thăm bản Ảng. Đón chúng tôi tại căn nhà gỗ khang trang, ông Hoàng Văn Nhờ, Bí thư Chi bộ bản Ảng, chia sẻ: Hiện bà con đang khẩn trương làm đất, gieo mạ để kịp hoàn thành gieo cấy lúa trước Tết âm lịch. Ngoài 35 ha ruộng, bà con còn trồng 10 ha xoài, nhãn. Bà con đang nỗ lực từng ngày để đẩy lùi đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.

Chia tay Pắc Ngà, khi nắng chiều vương nhẹ trên những đồi cây trái xanh mướt. Nghĩ về sự năng động trong phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân Pắc Ngà, chúng tôi tin, đây sẽ là động lực để cán bộ, nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng xây dựng bản mường ngày càng ấm no hạnh phúc.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới