Nỗ lực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống và thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân các xã đạt 9,59 tiêu chí và không còn xã thuộc nhóm dưới 5 tiêu chí (giảm 55 xã so với năm 2015).

Công trình nhà lớp học mầm non bản Thống Nhất, xã Chiềng Sung (Mai Sơn) được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Những năm qua, cùng với việc kiện toàn và thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp, toàn tỉnh đã phát động phong trào “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với các phong trào, cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; tổ chức các Hội thi “Phụ nữ với xây dựng nông thôn mới”, “Gia đình hạnh phúc - Chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Tuổi trẻ Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Ngày về với nông thôn mới”...; tuyên truyền bằng tờ rơi, tờ gấp, xây dựng các cụm pa-nô, áp-phích, băng rôn đến từng xã, bản, khu dân cư; triển khai các mô hình tổ phụ nữ, Đoàn thanh niên tự quản đường giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo... qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến tích cực trong tư duy, cách làm, từng bước khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, chuyển sang chủ động, tự giác, tích cực xây dựng NTM.

Xác định thu nhập là tiêu chí cốt lõi, thúc đẩy thực hiện các tiêu chí còn lại, tỉnh ta đã có chính sách khuyến khích liên kết các hộ sản xuất tập trung, thành lập HTX, liên hiệp HTX; hỗ trợ ghép, trồng cây ăn quả trên đất dốc; hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương; hỗ trợ liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị giữa hộ nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế... Qua đó, đã có những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều vùng nông sản tập trung với những mô hình phục vụ chế biến, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đời sống nông dân được cải thiện, thu nhập tăng nhanh qua các năm. Riêng năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36,8 triệu đồng, tăng 1,42 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 25%, trình độ tổ chức sản xuất của nông dân, nhất là liên kết sản xuất thông qua tổ hợp tác, HTX, tham gia chuỗi liên kết phát triển mạnh. Nông thôn của tỉnh có bước chuyển biến quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; bản sắc truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, phát huy; môi trường sinh thái từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Bên cạnh đó, bằng huy động nhân dân góp công sức, thực hiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, hệ thống hạ tầng nông thôn được củng cố phát triển, nhất là giao thông nông thôn; nông nghiệp có nhiều khởi sắc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chỉ trong 3 năm (2015-2017), toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 2.274 công trình trường lớp học, thủy lợi, y tế, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa và đường giao thông nông thôn..., tổng kinh phí trên 1.067 tỷ đồng; bê tông hóa 4.433 tuyến đường dài 950 km, kinh phí đầu tư gần 1.000 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 667,6 tỷ đồng). Toàn tỉnh hiện có 39 xã đạt tiêu chí giao thông (tăng 26 xã so với năm 2015); 172 xã đạt tiêu chí thủy lợi (tăng 102 xã); 140 xã đạt tiêu chí điện (tăng 37 xã); 46 xã đạt trường học (tăng 28 xã); 31 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (tăng 14 xã); 54 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (tăng 20 xã).

Ông Nguyễn Khắc Hào, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sung (Mai Sơn) chia sẻ: Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân góp công, góp sức bê tông hóa các tuyến đường nội bản, xã đã huy động xã hội hóa mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nhà lớp học, nhà văn hóa và góp phần thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, Chiềng Sung đã huy động xóa toàn bộ các phòng, lớp học tạm; làm 12 nhà văn hóa; thêm 1 bản được sử dụng điện lưới quốc gia.

Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 50% số xã đạt 10 tiêu chí trở lên về nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 13,5 tiêu chí/xã, có 35 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu đúng chủ trương, cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới, nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng, từng địa phương; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trước mắt, ưu tiên các xã phấn đấu đạt chuẩn; chú trọng công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì các công trình bảo đảm hiệu quả, bền vững.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới