Nhịp sống trên lòng hồ thủy điện

Hẹn mãi tôi mới có dịp tham gia tuần tra rừng khu vực lòng hồ cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai để chứng kiến những gian nan, vất vả của những người lính ngày đêm bảo vệ những cánh rừng xanh tươi. Mùa này, sông nước, núi rừng Quỳnh Nhai đẹp như một bức tranh, những đảo lớn nhỏ được phủ màu xanh của rừng, in bóng xuống hồ tạo nên màu xanh bất tận.

 

Lực lượng kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai kiểm tra rừng ven hồ tại xã Pá Ma Pha Khinh.

 

Giữ rừng gắn với lợi ích của người dân

Sau hơn nửa giờ lênh đênh trên lòng hồ, chúng tôi có mặt tại khu vực rừng thuộc xã Pá Ma Pha Khinh. Dừng chân trên một đảo nhỏ, khoát tay về phía những cánh rừng bạt ngàn nối tiếp nhau trên khu vực hồ thủy điện, anh Nguyễn Thành An, Phó Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện thông tin: Toàn huyện có hơn 40.000 ha rừng, trong đó diện tích rừng khu vực lòng hồ có gần 27.000 ha gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Xác định việc bảo vệ và phát triển diện tích rừng lưu vực lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn Quỳnh Nhai đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống bồi lắng lòng hồ thủy điện, hạn chế thiên tai; bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen của các loài động vật, thực vật rừng; tạo cảnh quan thúc đẩy phát triển du lịch lòng hồ; phát triển kinh tế vùng lòng hồ... Hạt đã tham mưu cho huyện nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên này, trong đó, đặc biệt chú trọng việc giữ rừng gắn với lợi ích của người dân, phát huy vai trò của người dân để giữ rừng ngay từ cơ sở.

Quả thực, so với những địa phương khác trong tỉnh, hoạt động của lực lượng kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai có những đặc thù và không ít những khó khăn, bởi diện tích quanh vùng lòng hồ rộng, ở xa dân cư, cắt cứ, địa hình hiểm trở, chủ yếu là rừng núi đá, giao thông đi lại rất khó khăn. Việc di chuyển đến những cánh rừng chỉ có thể bằng thuyền hoặc ca nô chuyên dụng nên công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng cũng lợi dụng điều này lén lút vào rừng khai thác lâm sản trái phép, trong khi đó lực lượng kiểm lâm lại mỏng, nếu không có sự ủng hộ của người dân thì khó có thể giữ rừng. Trước thực trạng đó, để quản lý và bảo vệ tốt vốn rừng, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng các tổ bảo vệ rừng và PCCCR đến tận các bản; tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội đóng trên địa bàn trong công tác quản lý bảo vệ rừng... huyện Quỳnh Nhai đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chương trình giảm nghèo nhanh bền vững. Chỉ tính từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường, hằng năm, Quỳnh Nhai đã có 136 bản với trên 1.350 chủ rừng ở các xã được chi trả với số tiền gần 10 tỷ đồng. Chính sách này đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân là các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thế nên khi gặp chúng tôi, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chiên phấn khởi nói: Xã có hơn 4.000 ha rừng được giao tới các hộ, cộng đồng bản khoanh nuôi bảo vệ, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, nhờ chính sách này đã nâng cao năng lực quản lý, trách nhiệm của cộng đồng, dân cư và tập thể, cá nhân được giao khoanh khoán bảo vệ rừng...

Đặc biệt, Quỳnh Nhai xác định muốn giữ, bảo vệ rừng tốt phải gắn với lợi ích của người dân, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện định hướng phát triển kinh tế mũi nhọn theo ba nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển lâm nghiệp bền vững xây dựng vùng tập trung cây ăn quả có giá trị kinh tế cao gắn với trồng rừng, bảo vệ rừng; phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ; phát triển du lịch lòng hồ thủy điện. Nhờ đó, rừng không chỉ được quản lý tốt hơn mà trên khu vực lòng hồ mênh mông sông nước ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Những hướng đi mới trên lòng hồ

Những thuyền chở khách, thuyền du lịch ngược xuôi trên lòng hồ; những lồng cá, từng đàn trâu, đàn bò thong dong ăn cỏ trên các mỏm đồi... là những hình ảnh đầy sức sống tại khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Đây là minh chứng rõ nét khẳng định những chủ trương, chính sách trong việc bảo vệ phát triển rừng lòng hồ bước đầu đã phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống, thúc đẩy người dân khai thác, phát huy tiềm năng lợi thể hơn 10.500 ha mặt nước lòng hồ thủy điện.

Đến thăm HTX Dịch vụ thương mại Thương Tuyên một trong những HXT đi đầu trong việc nuôi cá lồng trên lòng hồ và phát triển các loại cây ăn quả chất lượng cao ở các đảo trên lòng hồ thủy điện Sơn La, anh Lừ Văn Tuyên, Giám đốc HTX nhớ lại: Trước đây, HTX  tập trung sản xuất vật liệu xây dựng, năm 2015, nhận thấy lòng hồ thủy điện Sơn La với nguồn nước phong phú, nguồn cá tạp dồi dào là tiềm năng, lợi thế cho nghề nuôi cá lồng, tôi đã mạnh dạn vận động các thành viên HTX chuyển đổi ngành nghề sang nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Hiện nay, HTX  duy trì  52 lồng cá, đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, HTX cũng đầu tư phương tiện vận tải, bể chứa và hệ thống sục khí để vận chuyển cá đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết tốt đầu ra sản phẩm của HTX và các HTX khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, được huyện tạo điều kiện, từ năm 2017 đến nay, HTX được giao 4 hòn đảo nổi trên lòng hồ với diện tích hơn 12 ha để đầu tư trồng hơn 10ha các loại cây ăn quả như táo, nhãn, na Thái Lan và chăn nuôi đại gia súc theo hướng nhốt chuồng, hứa hẹn trong vài năm tới sẽ mang lại thu nhập đáng kể cho HTX.

Còn tại HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, HTX của những chàng trai thế hệ “9x” khởi nghiệp từ dịch vụ du lịch lòng hồ. Hiện nay, cùng với phát triển nuôi cá lồng, HTX còn tổ chức các tour du lịch khám phá lòng hồ thủy điện thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến khám phá trải nghiệm. Chia sẻ với chúng tôi anh Là Văn Phong, Giám đốc HTX nói: Với niềm tự hào và tình yêu thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, sông nước mênh mông với nhiều cảnh sắc tuyệt đẹp của vùng lòng hồ, chúng tôi tập trung đầu tư vào du lịch khám phá, trải nghiệm lòng hồ thủy điện. Được sự tạo điều kiện của huyện, hiện nay HTX đang tập trung đầu tư xây dựng các điểm tham quan tại 9 đảo nổi trên lòng hồ. Trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng của núi rừng gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực lòng hồ thủy điện, chúng tôi sẽ trồng thêm cây xanh, các loại hoa theo mùa để các đảo ngày càng đẹp hơn... với mong muốn lớn nhất là ngày càng có nhiều người biết đến vùng quê sông nước Quỳnh Nhai cũng như nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX.

Đáng mừng hơn khi tư duy của những người dân nơi đây ngày càng đổi mới, họ không hoạt động đơn lẻ mà biết liên kết với nhau thành lập các HTX để phát triển bền vững. Hiện nay, Quỳnh Nhai có 46 HTX thủy sản, trong đó phần lớn là của nông dân, tham gia nuôi hơn 6.800 lồng cá, đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Thế mới biết vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp quan trọng đến mức nào, bởi từ chỗ là những người nông dân đơn thuần với sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của các cấp, các ngành, những người nông dân đã trở thành những giám đốc năng động, nhanh nhạy, biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những cánh rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, cảnh quan, môi trường lòng hồ được đảm bảo với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả... đó là những “trái ngọt” dành cho nhưng cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây đã và đang phát huy tiềm năng, lợi thế của lòng hồ thủy điện, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của những cư dân nơi vùng sông nước.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới