Người đam mê văn hóa Thái

Là một trong những người có niềm đam mê với văn hóa Thái, ông Lò Văn Lả, tổ 7, phường Tô Hiệu (Thành phố) có 64 năm nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái. Hiện nay, dù đã ở tuổi 78, nhưng ông vẫn miệt mài sưu tầm và dịch thuật từ chữ Thái ra phiên âm và sang chữ phổ thông. Hiện, những tác phẩm của ông dịch ra được xếp ngăn nắp trong những tủ kính, giống như một thư viện thu nhỏ tại gia đình.

Ông Lò Văn Lả bên tủ sách chữ Thái đã được dịch ra chữ phổ thông.

Ông Lò Văn Lả từng trải qua nhiều lĩnh vực công tác, từng là giáo viên dạy chữ Thái cho học sinh người Thái và giáo viên người ở xuôi lên dạy học ở Khu tự trị Tây Bắc, rồi làm báo chữ Thái khu tự trị Tây Bắc từ những năm 1964; sau đó công tác ở Đài Phát thanh Tây Bắc. Năm 1977, về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Sơn La, đến năm 2001, nghỉ chế độ hưu trí. Trong quá trình công tác, được đi nhiều cơ sở và tiếp cận với văn hóa Thái, ông đã thu thập, sưu tầm cũng như tích lũy được 650 tác phẩm chữ Thái, gồm những bài thơ của 106 tác giả, như: Cầm Biêu, Lò Văn Cạy, Vương Trung... Ngoài ra, ông còn đến Thư viện tỉnh tìm kiếm, bổ sung tư liệu sáng tác trong thời kỳ xây dựng hợp tác xã, kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Bên cạnh đó, ông đã đến các huyện Thuận Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai, các tỉnh Điện Biên, Lai Châu… sưu tầm các bài cúng của đồng bào dân tộc Thái. Tất cả các tác phẩm đó, ông tập hợp thành 9 tập và dịch ra song ngữ chữ Thái và chữ phổ thông, với 5.740 trang A4, có nội dung như: Xem ngày lành, tháng tốt của người Thái, cúng bản, tiến hồn, chiêu hồn, cúng giải bệnh, giải hạn...

Bên cạnh việc sưu tầm và dịch những bài cúng, ông còn sưu tầm mảng văn học dân gian, truyện thơ cổ người Thái, với 7 tác phẩm, như: Xống chụ xon xao, Khôn Lu Nang Ủa, Quam Trương Han, Hiên Hom Căm Đôi, Tong Đón Ăm Ca, I Nọi Nang Xưa, Pi nọng lẩu khôm pi nọng lôm nau. Ngoài ra, còn có 158 truyện thần thoại, truyền thuyết và cổ tích của người Thái; tập Tản hặc luông sương máư, nội dung giao duyên ca ngợi bản làng, được dịch thành song ngữ, với 4.600 trang; phỏng tác theo cốt truyện của các nước Trung Quốc, Lào 2 tập, với 34 truyện... đều được dịch ra phiên âm và tiếng phổ thông.

Cùng với sưu tầm các tác phẩm chữ Thái, ông Lả còn sưu tầm, tư liệu bằng việc thu thanh, chụp ảnh, ghi hình những bài hát, bài cúng với hơn 80 băng cát-séc.

Nói về sự đam mê văn hóa Thái, ông Lả chia sẻ: Mục tiêu lớn nhất là bảo tồn văn hóa Thái đang có xu hướng mai một, bởi hiện nay, số người biết đọc, biết viết chữ Thái không còn nhiều, nên việc dịch những tác phẩm từ chữ Thái ra phiên âm và sang chữ phổ thông sẽ giúp cho các thế hệ trẻ tiếp cận văn hóa dân tộc Thái đầy đủ hơn.

Năm 2015, ông Lò Văn Lả đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; năm 2016, ông được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận “Chữ viết cổ của người Thái tỉnh Sơn La được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Chia tay ông Lả, chúng tôi cảm phục sự đam mê, nhiệt huyết của ông dành cho công tác dịch thuật và đem kho tàng văn hóa của dân tộc Thái đến gần hơn với mọi người. Một năm mới đã về, xin chúc ông thêm sức khỏe để tiếp tục sưu tầm, lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc Thái.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới