Đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn

Triển khai từ năm 2017, Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (ưu tiên 62 huyện nghèo trong cả nước) theo Quyết định số 585/QĐ-BYT của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cơ sở.

 Trước năm 2017, trên địa bàn tỉnh ta, bác sĩ có trình độ sau đại học mới đạt 7,63%, trình độ đại học là 24,58%; mới  đạt 7,11 bác sĩ/10.000 dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bên cạnh phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, cử cán bộ đi học tập tại các bệnh viện tuyến Trung ương, ngành Y tế tỉnh đã khuyến khích các y, bác sĩ đăng ký đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn.

Bác sĩ CKI Tòng Văn Phong (thứ hai từ trái sang), Trưởng Khoa Ngoại – Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai, kiểm tra sức khỏe bệnh nhân. 

Dự án 585 của Bộ Y tế hướng đến 2 đối tượng: Bác sĩ chính quy tốt nghiệp đăng ký tình nguyện tham gia công tác tại các huyện nghèo; bác sĩ chính quy tại đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn tham gia Dự án theo hình thức cử đi đào tạo chuyên khoa cấp I tại các bệnh viện tuyến trung ương, trong 24 tháng liên tục, sau khi trở về địa phương, cam kết gắn bó tại cơ sở cử đi đào tạo thời hạn tối thiểu là 5 năm. Các bác sĩ trẻ tham gia Dự án được hỗ trợ kinh phí đào tạo và chi trả các chế độ từ Dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (Dự án HPET) giai đoạn 1 và Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup giai đoạn 2.

Theo đó, giai đoạn 2017-2020, tỉnh Sơn La có 21 bác sĩ tại bệnh viện đa khoa các huyện: Sốp Cộp, Phù Yên, Mường La, Bắc Yên và Quỳnh Nhai được cử đi đào tạo chuyên khoa cấp I các chuyên ngành: Sản khoa, hồi sức cấp cứu, nội, nhi, ngoại, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, tai – mũi – họng. Từ năm 2021 đến năm 2023, toàn tỉnh có thêm 21 bác sĩ tại các huyện được cử đi đào tạo với nhiều chuyên ngành khác nhau. 

Năm 2019, tỉnh đón 4 bác sĩ trẻ thuộc Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên tình nguyện về các Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp, Quỳnh Nhai và Mường La công tác 3 năm đối với nam và 2 năm đối với nữ. Đến hết năm 2021, có 4 bác sĩ tình nguyện nói trên đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về công tác tại tuyến Trung ương. 

Bác sĩ CKI Lê Thị Hồng Duyên, Phó Trưởng khoa Phụ sản là một trong 7 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa huyện Phù Yên được cử đi đào tạo theo Dự án 585 giai đoạn 2017-2020. Trong 2 năm đào tạo tại Trường đại học Y Dược Hải Phòng chuyên ngành sản khoa, chị được đội ngũ giáo sư, tiến sĩ hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”, “1 thầy 1 trò” từ lý thuyết đến thực hành. Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Duyên có thể thực hiện các kỹ thuật chuyên môn khó, độc lập đứng mổ. 

Bác sĩ CKI của Dự án 585 Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai hướng dẫn bác sĩ đa khoa chẩn đoán hình ảnh tình trạng bệnh nhân. 

Bác sĩ Duyên chia sẻ: Trước năm 2020, Bệnh viện đa khoa huyện Phù Yên chưa có bác sĩ chuyên khoa cấp I về sản, nên các ca khó thường phải chuyển tuyến; khi có ca phẫu thuật sản thì cần thêm sự hỗ trợ của bác sĩ khoa Ngoại mới thực hiện được. Sau khi được đào tạo trở về địa phương, tôi và 1 bác sĩ cùng tham gia Dự án 585 chuyên ngành sản khoa đã thực hiện phẫu thuật sản cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp thai dị dạng, tuổi thai lớn vẫn có thể phẫu thuật tại bệnh viện. Đồng thời, thực hiện được kỹ thuật cắt tử cung, mổ nội soi u nang buồng trứng; hay các xét nghiệm mới về chẩn đoán thai nhi, sàng lọc ung thư sớm cho bệnh nhân… 

Sau khi tham gia khóa đào tạo 2017-2019 tại Đại học Y Hà Nội về chuyên ngành khoa Ngoại trở về công tác tại địa phương, bác sĩ CKI Tòng Văn Phong, Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai là người đầu tiên triển khai được nhiều kỹ thuật mới tại Bệnh viện, cứu sống nhiều bệnh nhân. Đơn cử như chuyển từ mổ mở ruột thừa sang mổ nội soi; phẫu thuật nội soi cắt túi mật; khâu lỗ thủng dạ dày; cắt u thoát vị bẹn; một số phẫu thuật sản khoa và thủ thuật ngoại khoa... Bác sĩ CKI Tòng Văn Phong còn tích cực hướng dẫn, truyền tải các kiến thức và kinh nghiệm cho các bác sĩ đi phụ mổ; hướng dẫn thực hiện các thủ thuật khâu vá vết thương phức tạp, chích áp xe, cắt chỉ… 

Bác sĩ CKI Vũ DuyKhang, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Giai đoạn 2017-2020, Bệnh viện có 5 bác sĩ được đào tạo ở các chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, ngoại khoa, nội khoa và răng hàm mặt. Sau khi đào tạo, các bác sĩ có trình độ chuyên môn và kỹ thuật chuyên khoa sâu hơn, thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, các ca phẫu thuật khó mà trước đây Bệnh viện chưa làm được. Đây là Dự án rất thiết thực, tạo cơ hội cho các bác sĩ vùng khó khăn được học tập, nâng cao nghiệp vụ, giúp bà con được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất ngay từ cơ sở.

Bác sĩ Lò Thị Đảng, Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu, thực hiện cấp cứu bệnh nhân.

Bác sĩ Lò Thị Đảng, Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu, cho biết: Tháng 8/2023, tôi tham gia đào tạo chuyên khoa I chuyên ngành Hồi sức cấp cứu tại Trường Đại học Y Hà Nội. 2 tháng đầu tiên chúng tôi được học các môn cơ sở, sau đó đi lâm sàng tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Hằng ngày, chúng tôi cùng các bác sĩ Bệnh viện đón tiếp bệnh nhân, tham gia điều trị tại các buồng bệnh dưới sự hướng dẫn, giám sát trực tiếp của bác sĩ phụ trách. Môi trường học tập tốt, thầy cô tận tình và được hỗ trợ kinh phí học tập nên tôi cố gắng trau dồi kiến thức để về phục vụ bà con quê hương mình.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị nội trú. 

Sau 7 năm triển khai, Dự án 585 đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2023, số bác sĩ sau đại học đạt 10,74%; đại học đạt 45%; đạt 8,7 bác sĩ/10.000 dân. Dự kiến giai đoạn 2024-2025, toàn tỉnh tiếp tục cử 31 bác sĩ trẻ của các bệnh viện thuộc huyện nghèo, huyện biên giới tham gia đào tạo chuyên khoa cấp I của Dự án.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, đánh giá: Dự án 585 đã tạo bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao của tỉnh. Tạo điều kiện cho nhân dân các huyện nghèo được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng tốt, hạn chế tình trạng chuyển tuyến điều trị, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhân dân.

Những năm tới, ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, thu hút các bác sĩ, dược sĩ chính quy về công tác tại các đơn vị y tế trong tỉnh. Đồng thời, mong muốn Bộ Y tế, Ban Quản lý Dự án 585 và các ngành, đơn vị liên quan có cơ chế mở rộng đối tượng để hỗ trợ đào tạo sau đại học cho cán bộ các trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã thuộc các huyện nghèo, huyện biên giới. Mở thêm một số chuyên khoa đào tạo như mắt, lão khoa, phục hồi chức năng, y học gia đình…, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế của tỉnh.

 

 

 

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới