Sản phẩm OCOP từ món ăn bình dị của người dân tộc Thái

Thúa ố là thức chấm được làm từ đậu tương lên men, là món ăn dân dã của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La. HTX Nông nghiệp bản Pặt, xã Mường Chùm, huyện Mường La, đã nghiên cứu, đầu tư đưa món thúa ố thành sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao.

Giọng nữ
Sản phẩm thúa ố của HTX Nông nghiệp bản Pặt được chứng nhận đạt OCOP 3 sao. 

Thúa ố theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là đỗ tương lên men. Từ xa xưa, trong mâm cơm hằng ngày của bà con dân tộc Thái, thúa ố dùng để chấm rau, củ, quả, thịt luộc hoặc ăn với cơm. Đây là món ăn truyền thống nhưng ít người biết làm thúa ố chuẩn vị. Do làm thúa ố đòi hỏi người làm phải biết gia giảm gia vị và có kinh nghiệm trong việc ủ tương nên ở bản Pặt mới chỉ có gia đình anh Lò Văn Nhờ chế biến để cung cấp cho thị trường. 

Anh Lò Văn Nhờ, Giám đốc HTX nông nghiệp bản Pặt, cho biết: HTX thành lập đầu năm 2023 với 8 thành viên, quy mô sản xuất là 10 ha đất, chủ yếu trồng ngô ngọt cung ứng cho Công ty DOVECO Sơn La. Sau thu hoạch ngô ngọt, vụ đông, các hộ trồng các loại đậu, sản lượng đạt 30 tấn đậu các loại. Với mong muốn phát triển sản phẩm tương thúa ố truyền thống thành sản phẩm OCOP mang lại thu nhập cho các thành viên, tôi đã vận động các hộ trồng đỗ tương theo hướng hữu cơ, với tổng diện tích hơn 2 ha để tạo nguồn nguyên liệu sạch làm thúa ố. Đồng thời, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm để các thành viên HTX cùng sản xuất  sản phẩm thúa ố chất lượng, cung cấp cho thị trường.   

Gia đình anh Lò Văn Nhờ chuẩn bị sản phẩm thúa ố giao cho khách hàng.

Chia sẻ về quy trình làm thúa ố, anh Nhờ nói: Hạt đỗ tương dùng làm thúa ố phải là đỗ tương nếp, phơi khô và sàng lọc sạch sẽ. Đỗ tương được ngâm nước, sau đó luộc nhừ rồi đãi sạch vỏ để cho nguội và ráo nước, tiếp đó được gói kín lại trong các tấm ni lông, tấm vải hay tàu lá chuối, nhằm tránh ánh sáng và không khí lọt vào. Đặc biệt, các gia vị ớt, tỏi làm thúa ố cũng phải được sơ chế kỹ, rửa sạch rồi phơi khô để tránh bị mốc. Cách giã các nguyên liệu cũng khá đơn giản nhưng yêu cầu người chế biến ước lượng cân bằng các loại gia vị mới tạo được độ ngon, tỷ lệ muối hợp lý để không mặn quá. Trong quá trình giã cho thêm chút rượu gạo, sau đó để ủ vài ngày, mùa hè thì ủ từ 5-7 ngày, còn mùa đông ủ từ 10-15 ngày là có thể đem ra ăn. Thúa ố đạt tiêu chuẩn có màu vàng nâu sóng sánh, tùy vào khẩu vị của từng gia đình để pha chế thúa ố dùng để chấm các món rau, củ quả hay thịt luộc, hoặc có thể trộn với trứng để rán khi ăn có vị cay cay, ngậy ngậy rất đưa cơm. 

Sản phẩm thúa ố của HTX Nông nghiệp bản Pặt.

Phương châm của HTX là luôn đặt tiêu chí vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, các công đoạn từ chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói… đều phải đảm bảo an toàn, quy trình khép kín. Sản phẩm cũng không sử dụng chất bảo quản hay các phụ gia ngoài danh mục cho phép nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng.

Trong quá trình thực hiện các tiêu chí để công nhận sản phẩm OCOP, HTX đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ làm tem nhãn, bao bì sản phẩm. Tháng 12/2023, UBND huyện Mường La đã cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm thúa ố bản Pặt, xã Mường Chùm. HTX đã tăng cường quảng bá sản phẩm, tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, lễ hội và được nhiều người biết đến, bước đầu cung cấp chủ yếu là thị trường trong và ngoài huyện. Trung bình mỗi tháng HTX xuất bán từ 20-30 kg thúa ố với giá bán 100 – 120 nghìn đồng/kg.

Khách hàng mua sản phẩm thúa ố của HTX Nông nghiệp bản Pặt. 

Là khách hàng thường xuyên nhập thúa ố của HTX Nông nghiệp bản Pặt về bán, bà Tòng Thị Nga, xã Nậm Giôn, nói: Sản phẩm thúa ố của HTX Nông nghiệp bản Pặt rất ngon, hợp khẩu vị được nhiều người ưa chuộng, được chứng nhận OCOP 3 sao nên rất yên tâm về chất lượng sản phẩm.  

Ông Lò Văn Dong, Chủ tịch UBND xã Mường Chùm, cho biết: Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, xã đã rà soát, đăng ký các sản phẩm lợi thế, đặc trưng của địa phương, như: Thúa ố; tỏi để đưa vào danh mục thẩm định, công nhận. Trong thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích các tổ chức, HTX phát triển sản phẩm đặc trưng, lợi thế; vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ, giúp HTX có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và nâng hạng sản phẩm. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp bản Pặt, xã Mường Chùm, đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đăng ký Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho món tương thúa ố, tạo cơ hội để món ăn truyền thống của dân tộc Thái được giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới