Dấu ấn khoa học công nghệ năm 2022

Hòa chung với dòng chảy của tỉnh, nhìn lại thành tựu năm 2022, ngành Khoa học và Công nghệ có những chuyển động tích cực, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, cung cấp cơ sở khoa học cho việc định hướng phát triển trên các lĩnh vực, tạo dấu ấn trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điểm lại kết quả nổi bật trong hoạt động, ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: Năm 2022, tỉnh Sơn La triển khai thực hiện 36 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó, 19 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2021 sang, 17 nhiệm vụ mới phê duyệt năm 2022. Các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, y dược và cải tạo môi trường...

Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống khoai sọ mán theo hướng sản xuất hàng hóa tại huyện Vân Hồ. 

 

Hoạt động sở hữu trí tuệ được quan tâm đẩy mạnh, góp phần mạnh mẽ trong việc thương mại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông - lâm - thủy sản của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; trong đó 2 sản phẩm được bảo hộ tại châu Âu theo cam kết tại Hiệp định EVFTA là xoài tròn Yên Châu và chè Shan tuyết Mộc Châu; sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu được bảo hộ tại Thái Lan. Hiện nay đang triển khai 5 nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 đối với các sản phẩm mắc ca Sơn La, dứa Sơn La, cá sông Đà Sơn La, xoài tròn của huyện Yên Châu, chè Tà Xùa Bắc Yên.

Nổi bật năm qua, ngành đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ”; phối hợp với Cục sở hữu trí tuệ tổ chức Hội thảo khoa học “Những giải pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu của Việt Nam ở nước ngoài” với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu; các doanh nghiệp khu vực miền Bắc có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và các doanh nghiệp, người sản xuất trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Với chủ đề “Bứt phá giữa đại ngàn”, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất (TECHFEST Sơn La) là một trong những hoạt động nổi bật mà Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Trường đại học Tây Bắc, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) phối hợp cùng các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị của tỉnh Sơn La liên quan tổ chức TECHFEST Sơn La. Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động, như: Tọa đàm, hội thảo, chuỗi hoạt động kết nối; đối thoại chuyên sâu giữa các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức, chuyên gia và doanh nghiệp về định hướng phát triển để giải quyết bài toán về đầu ra hàng hóa nông sản; khả năng cạnh tranh, làm chủ đầu vào; liên kết nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông; tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Hội thảo “Những giải pháp hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại nước ngoài”.

Anh Cầm Hữu Trọng, Giám đốc HTX đồ gỗ gia đình ON, chia sẻ: Là một trong 25 doanh nghiệp, HTX của tỉnh tham dự TECHFEST Sơn La 2022, HTX đã giới thiệu các sản phẩm đồ dùng cho gia đình làm bằng các loại cây gỗ có sẵn tại địa phương; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như được hỗ trợ công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thông tin thêm: Ngành tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện đề án ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La. Tập trung nghiên cứu, đưa tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Từng công trình khoa học, những sáng kiến, sáng chế, cải tiến về phương pháp, kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, khoa học tỉnh nhà được ứng dụng vào thực tiễn đã góp phần làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh và đời sống, tạo ra bước chuyển quan trọng về kinh tế, xã hội, thúc đẩy phát triển xanh, nhanh, bền vững của tỉnh trong tiến trình hội nhập.

 

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới