Giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương

Trong chuyến công tác thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa, đầu năm mới 2024, chúng tôi, những phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trên mọi miền đất nước, có dịp được tiếp cận và tìm hiểu về Vùng 4 Hải quân, càng cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần quyết tâm, ý chí giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biển đảo này.

Các tàu của Lữ đoàn 162 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển.
Ảnh: Hải quân 

Cam Ranh - căn cứ địa bảo vệ và xây dựng đất nước

Vùng 4 Hải quân có nhiệm vụ bảo vệ trên vùng biển thuộc các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên và Bình Định. Trong đó, nhiệm vụ trọng yếu đó là bảo vệ chủ quyền, củng cố vũng chắc thế trận phòng thủ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Khu vực vùng biển được Vùng 4 quản lý có nhiều mục tiêu trọng yếu, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh của đất nước. Do đó, nhiệm vụ huấn luyện có tầm quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. 

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự trong và ngoài nước, quân cảng Cam Ranh, thuộc thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa là một trong những quân cảng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Vịnh Cam Ranh có diện tích 60km2, phía ngoài có 2 dãy núi như các bức tường chắn gió giúp mặt nước phía trong phẳng lặng. Cùng với độ sâu từ 18-32m, các tàu lớn có trọng tải khoảng 100 nghìn tấn có thể dễ dàng ra, vào và neo, đậu tại cảng. Quân cảng Cam Ranh cách các tuyến đường vận tải quốc tế khoảng 1 giờ đi biển, cách quần đảo Trường Sa từ 253-300 hải lý, giúp các lực lượng của Vùng 4 Hải quân nhanh chóng cơ động xử lý các tình huống trên các vùng biển, đảo trong phạm vi quản lý.

Chiến sĩ Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân thực hiện nhiệm vụ gác tại cảng Cam Ranh.

Với chủ trương “4 không” về quốc phòng của Đảng và nhà nước, gồm: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhưng sẵn sàng tự vệ chống lại mọi hành động xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam, từ đầu những năm 2000, ngoài nhiệm vụ huấn luyện của Hải quân Nhân dân Việt Nam, quân cảng Cam Ranh còn đóng vai trò làm cảng tiếp tế hậu cần cho lực lượng hải quân các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, nhiệm vụ huấn luyện các lực lượng tàu mặt nước, tàu ngầm và hải quân đánh bộ tại quân cảng Cam Ranh vẫn là nhiệm vụ trọng yếu trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đại tá Ngô Đình Xuyên, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cho biết: Thực hiện quan điểm xuyên suốt “Lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và xây dựng Vùng 4 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện”. Trong đó, việc huấn luyện các đơn vị trực thuộc tại quân cảng Cam Ranh được Bộ Tư lệnh Vùng 4 thực hiện theo chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân. Theo đó, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành là chính; huấn luyện sát chức năng, nhiệm vụ, đối tượng, chiến trường, điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí, phương tiện công nghệ cao.

Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng xuất phát từ quân cảng Cam Ranh thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết và mệnh lệnh của cấp trên, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm ở các cấp trong toàn Vùng, qua đó không ngừng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, SSCĐ. Coi trọng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng trong các đơn vị thường xuyên được quan tâm, triển khai, đôn đốc thực hiện. Qua đó, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện các nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân, thông tin: Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc ngày càng cao và nặng nề, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ cần phải được đề cao nhằm xây dựng Vùng 4 vững mạnh về chính trị. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng SSCĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Phấn đấu vươn lên, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Nhiều năm qua, tình hình trên Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có việc khẳng định chủ quyền không có cơ sở của một số nước trong khu vực. Nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc không của riêng lực lượng nào, mà của tất cả các lực lượng, trong đó có những ngư dân hoạt động đánh, bắt xa bờ tại các ngư trường trên các vùng biển của cả nước.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa tặng cờ và hải đồ đánh dấu khu vực đánh cá trên biển cho ngư dân.

Với phương châm: “Ngư dân cũng là cột mốc sống để bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, những năm qua, Vùng 4 Hải quân đã phối hợp với các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định… tuyên truyền, vận động, giúp đỡ ngư dân hoạt động trên các vùng biển trên khu vực quần đảo Trường Sa, tạo điều kiện, niềm tin để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển tại các ngư trường. Vận động ngư dân chấp hành thực hiện nghiêm việc đánh bắt trên các vùng biển theo luật pháp quốc tế; không xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác. Thời gian đánh bắt cá xa bờ thường kéo dài từ 2-3 tháng. Trong quá trình đó, ngư dân thường xuyên nhận được sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng trên biển về nhiều mặt.

Trong năm 2023, các đảo trên quần đảo Trường Sa và tàu trực thuộc Vùng 4 Hải quân đã hỗ trợ 409 tàu gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm do thời tiết xấu, với gần 6,5 tấn gạo, 71.280 lít nước ngọt. Hướng dẫn 6.246 lượt tàu cá vào các âu tàu, lòng hồ tránh trú bão, thời tiết xấu. Tham gia tiếp nhận, cấp cứu 119 trường hợp ngư dân các tỉnh và khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 6.063 trường hợp. Cứu nạn 12 tàu cá của ngư dân các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận; đưa 22 ngư dân vào bờ an toàn, bàn giao cho địa phương và gia đình đúng thủ tục, bảo đảm chu đáo, nghĩa tình.

Cung cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân neo đậu tại âu tàu đảo Trường Sa.

Thượng úy, bác sĩ quân y Đỗ Hải Nam, Bệnh viện Quân y 175, tâm sự: Công tác tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, cá nhân tôi đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp ngư dân gặp nạn và bị thương trên biển được đưa đến đảo Trường Sa chữa trị. Có nhiều trường hợp qua chẩn đoán từ các tàu cứu hộ báo về, chúng tôi xác định tình trạng chấn thương của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Rất nhiều lần, tôi trực tiếp theo tàu kiểm ngư hay các tàu cứu hộ ra biển để kịp thời thực hiện các biện pháp cấp cứu, không để lỡ thời điểm vàng trong điều trị chấn thương.

Một trong những trăn trở của ngư dân khi vươn khơi, bám biển đánh cá dài ngày, đó là tình trạng hư hỏng máy móc của tàu cá giữa muôn trùng sóng gió. Do đó, việc cứu hộ, cứu nạn của lực lượng hải quân trong thời gian tuần tra trên biển đã hỗ trợ tích cực việc cứu, kéo tàu cá về các âu tàu thuộc quần đảo Trường Sa để sửa chữa. Ngoài ra, các âu tàu được xây dựng trên một số điểm đảo tại quần Trường Sa đóng vai trò làm nơi tiếp tế hậu cần và tránh, trú bão cho ngư dân khai thác thủy sản tại ngư trường Trường Sa.

Vùng 4 Hải quân hỗ trợ cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển.

Anh Nguyễn Văn Thạch, Thuyền trưởng tàu cá BĐ7445, tỉnh Bình Định, tâm sự: Gần 20 năm đánh cá tại các điểm đảo thuộc ngư trường Trường Sa, nhiều lần tôi được Hải quân nhân dân Việt Nam cùng các lực lượng chấp pháp trên biển của nước ta hướng dẫn về nơi tránh, trú bão an toàn. Tôi nhớ mãi sự việc năm 2022, tàu cá của chúng tôi bị chết máy, sau 26 giờ đồng hồ phát tín hiệu cầu cứu, tôi đã được tàu hải quân hỗ trợ đưa vào âu tàu tại đảo Trường Sa để sữa chữa. Đồng thời, được kiểm tra y tế, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ tiếp nước ngọt, thực phẩm miễn phí nên rất yên tâm bám biển.

Khí chất chiến sĩ trẻ

Trước khi xuất cảng ra thăm quần đảo Trường Sa, tôi có dịp ngồi lắng nghe, chia sẻ những câu chuyện với những người lính hải quân trẻ. Nhập ngũ ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, các anh sẵn sàng đương đầu với muôn trùng sóng gió; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Chiến sĩ trẻ thực hiện canh gác, sẵn sàng chiến đấu ở đảo Đá Đông A.

Hạ sĩ Nguyễn Duy Khuê, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải Quân, tâm sự: Tôi nhập ngũ tháng 2/2023, sau quá trình huấn luyện gần 1 năm, đơn vị phân công tôi nhận nhiệm vụ trên tàu 561, thực hiện chuyến công tác tới quần đảo Trường Sa. Đối với tôi, đây là vinh dự lớn, vì được góp sức cùng đồng chí, đồng đội bảo vệ biển đảo quê hương. Trong quá trình huấn luyện, những chiến sĩ trẻ luôn được huấn luyện các bài nâng cao sức khỏe, bởi ngoài biển sóng to, gió lớn, cột sóng cao đến 7-8m.

Còn với Binh nhất Lê Đức An, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân - người con của quê hương thành phố biển Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, từ nhỏ đã rất yêu biển, ý thức phải bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Vì vậy, An viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. An chia sẻ: Ước mơ được đứng trong hàng ngũ của Hải quân nhân dân Việt Nam của em đã thành hiện thực. Tự hào hơn, lần này em được đơn vị phân công làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa. Tuy phải xa nhà, nhưng đây là niềm vinh dự lớn lao.

Các chiến sĩ trẻ trên đảo Trường Sa cùng đọc thư được gửi từ đất liền.

Trung sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân, cho biết: Quê em ở Quảng Ngãi, gia đình em làm nghề chài lưới bám biển từ nhiều đời nay, vì vậy, trở thành chiến sĩ hải quân, em được góp sức bảo vệ biển đảo quê hương, giúp được nhiều ngư dân, trong đó, có gia đình em yên tâm vươn khơi.

Hầu hết những chiến sĩ trẻ tôi gặp trong chuyến hải trình đến với Trường Sa đợt này đều lớn lên ở biển, gắn bó với biển nhiều năm. Với họ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, vừa góp sức giúp quê hương mạnh, giàu từ biển.

Cán bộ chiến sĩ điểm đảo Đá Tây A tuần tra khu vực bờ biển.

Chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Vì vậy, những ngư dân đánh cá trên biển, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa, cũng như mỗi người con đất Việt đều đang góp sức mình viết tiếp bản hùng ca giữ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào các dự thảo Luật (sửa đổi)

    Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào các dự thảo Luật (sửa đổi)

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Dự Hội thảo, có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
  • 'Phổ biến, triển khai Luật Đất đai năm 2024

    Phổ biến, triển khai Luật Đất đai năm 2024

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 9/5, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến phổ biến, triển khai Luật Đất đai năm 2024. Dự Hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
  • 'Giám sát thực hiện chế độ học sinh bán trú

    Giám sát thực hiện chế độ học sinh bán trú

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 9/5, Đoàn giám sát theo Nghị quyết số 70/NQ-TTHĐND của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát việc hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và hỗ trợ gạo cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn tại huyện Mai Sơn. Dự cuộc giám sát có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện một số trường học trên địa bàn huyện.
  • 'Khánh thành nhà văn hoá Tiểu khu 2, thị trấn huyện Phù Yên

    Khánh thành nhà văn hoá Tiểu khu 2, thị trấn huyện Phù Yên

    Huyện Phù Yên -
    Ngày 8/5, đồng chí Vi Đức Thọ, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã dự Lễ khánh thành nhà văn hoá tiểu khu 2, thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên. Đây là công trình chào mừng Đại hội điểm Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện khoá XX, nhiệm kỳ 2024-2029.
  • 'Đảm bảo dân chủ, đồng thuận để thành lập thị xã Mộc Châu

    Đảm bảo dân chủ, đồng thuận để thành lập thị xã Mộc Châu

    Xã hội -
    Huyện Mộc Châu hiện nay có 15 đơn vị hành chính cấp xã, theo lộ trình của Đề án thành lập thị xã Mộc Châu sẽ sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã để thành lập các xã, phường thuộc thị xã. Đến nay, các cấp, ngành và huyện phối hợp triển khai thực hiện, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tổ chức bỏ phiếu xin ý kiến cử tri, bảo đảm dân chủ và đồng thuận cao.
  • 'Đảm bảo các điều kiện tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu

    Đảm bảo các điều kiện tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 9/5, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chủ trì cuộc Họp chuẩn bị tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
  • 'Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông

    Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông

    Kinh tế -
    Sơn La được chọn là 1 trong 13 tỉnh trên cả nước thực hiện Đề án thí điểm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Sau gần 2 năm triển khai, các tổ khuyến nông cộng đồng đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” trong hoạt động khuyến nông, truyền tải thông tin kỹ thuật đến người dân nhanh, hiệu quả.
  • 'Đa dạng các mô hình giúp nông dân làm giàu

    Đa dạng các mô hình giúp nông dân làm giàu

    Kinh tế -
    Từ năm 1994 đến nay, bằng nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương, Khuyến nông Sơn La đã triển khai thực hiện thành công 108 loại mô hình khuyến nông đa dạng trên mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và khuyến công, thu hút hơn 80.400 hộ nông dân tham gia.
  • 'Nâng cao vai trò của khuyến nông trong phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững

    Nâng cao vai trò của khuyến nông trong phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững

    Kinh tế -
    Ngày 2/3/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/CP về công tác khuyến nông, đánh dấu sự ra đời của hệ thống khuyến nông Việt Nam. Sau đó 1 năm, ngày 11/5/1994, Khuyến nông Sơn La được thành lập theo Quyết định số 248/QĐ-TC của UBND tỉnh. 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống khuyến nông Sơn La luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
  • 'Thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do

    Thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do

    Kinh tế -
    Việc thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA), có ý nghĩa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội để tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương tỉnh Sơn La đã quán triệt nghiêm túc, tập trung thực hiện Hiệp định thương mại tự do với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển mở rộng thị trường; khai thác các ưu đãi để tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu cho địa phương.
  • 'Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

    Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

    Khoa Giáo -
    Còn gần 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tổ chức thi thử để phân hóa học sinh, các trường đang tập trung ôn tập kiến thức, luyện thi cho học sinh, bảo đảm đạt kết quả cao nhất.