Xuân về vùng đất Thuận Châu

Xuân Giáp Thìn cận kề, chúng tôi về quê hương Thuận Châu, chia vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã từ vùng thấp đến vùng cao về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội. Cảm nhận thêm về trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, với quyết tâm cao thoát nghèo vào năm 2025.

Suốt hành trình về với vùng đất này, từ Chiềng Pấc đến Phổng Lái dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại đến các xã vùng lòng hồ thủy điện, ngược lên vùng cao Long Hẹ, Co Mạ, Mường Bám..., đi đến đâu chúng tôi cũng nhận thấy không khí chuẩn bị đón xuân mới thật rộn ràng. Và được nghe nhiều câu chuyện về sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả của nhân dân; việc tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế tại các xã; giúp nhân dân ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất của cấp ủy, chính quyền các cấp… tạo thêm động lực cho nhân dân vươn lên thoát nghèo.

Lãnh đạo huyện Thuận Châu thăm mô hình thanh long tại xã Chiềng Pha.

Đón Xuân mới, nhân dân xã Phổng Lái có niềm vui chung về kết quả sản xuất nông nghiệp năm nay đạt cao về sản lượng, chất lượng và giá bán nông sản cũng tăng cao. Trong đó, 650 ha chè đạt năng suất từ 10-12 tấn chè búp tươi/ha. Hơn 100 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt 550 tấn quả. 375 ha cây cà phê, sản lượng đạt 600 tấn. Duy trì chăn nuôi trên 41.000 con gia súc, gia cầm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,18% năm 2023.

Pha ấm nước chè Trọng Nguyên mời khách - sản phẩm của HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, Nguyễn Văn Báu tâm đắc: Xã phát triển chè theo quy trình VietGAP, sản xuất hữu cơ, dự kiến khoảng 500 ha, từ đèo Pha Đin trở lại. Đây là hướng phát triển nông nghiệp bền vững gắn với dịch vụ du lịch, góp phần cùng huyện đạt mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025.

Chia tay Phổng Lái, chúng tôi ngược lên vùng cao Co Mạ. Anh Vừ A Tòng, bản Pha Khuông, khoe: Năm 2020, bản được chọn trồng thí điểm 6 ha cây sa nhân trên diện tích đất nương. Hai năm sau, sa nhân cho thu hoạch quả. Bà con còn trồng 16 ha dong riềng, sản lượng 160 tấn, thu 25 triệu đồng/ha.

Trở lại xã Mường Khiêng, chúng tôi đến thăm hợp tác xã bản Bon. Ông Quàng Văn Vóng, Phó Giám đốc HTX, phấn khởi: HTX có 15 thành viên, sản xuất hơn 65 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài Đài Loan. Trong đó, 47,7 ha được các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP. Sản lượng vụ xoài năm 2023 đạt 300 tấn quả. Trong đó, đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 250 tấn.

Theo thông tin từ lãnh đạo xã, hiện nay, Mường Khiêng có 4 HTX trồng cây ăn quả trên đất dốc, quy mô sản xuất trên 380 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là xoài và nhãn. Có 1 HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, với 80 lồng cá. Việc tham gia HTX đã làm thay đổi đáng kể tư duy sản xuất của thành viên và nông dân trong xã, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 36,9% năm 2023.

Vòng xòe đoàn kết tại di tích khảo cổ Mái đá bản Mòn, xã Thôm Mòn.

Chia sẻ về nhiệm vụ thoát nghèo vào năm 2025, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu Nguyễn Đắc Lực cho biết: Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã họp bàn và đề ra nhiều giải pháp, xác định khâu yếu, khâu khó để tập trung giải quyết. Trong thực hiện, huyện chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn của chương trình, dự án giảm nghèo thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách huyện; vận động nhân dân đóng góp hỗ trợ cho hộ nghèo. Triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, nhất là hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.

Điểm nhấn trong hành trình thoát nghèo của Thuận Châu là Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 4/3/2021 về phát triển kinh tế, xã hội 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025. Gồm: Mường Bám, Long Hẹ, Co Mạ, É Tòng, Co Tòng và Pá Lông. Trong giai đoạn 2021-2023, huyện đã phân bổ hơn 86 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; vốn hỗ trợ sản xuất thuộc tiểu dự án 2 - dự án 3 Chương trình 1719 dự kiến phân bổ là 9,5 tỷ đồng. Tính đến nay, 6 xã vùng cao đã triển khai 7 mô hình trồng cây khôi nhung, cây gừng trâu, cây vừng đen, trồng dứa, nuôi gà đen, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, trồng các giống lúa nếp hương và lúa lai 27P53, trồng mới 61 ha cây dược liệu. Đồng thời, triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây gai xanh tại xã Mường Bám, với 17 ha cây gai xanh...

Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Đến hết năm 2023, huyện có 4.289 ha cây ăn quả các loại, sản lượng gần 20.000 tấn. Có 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả, trong đó 2 mã vùng trồng cây xoài, với 17 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, DuBai, Nhật Bản. Hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hơn 22 ha dứa, 86 ha chanh leo, 5 ha rau chân vịt cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La. Duy trì và phát triển 27 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 400 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ. Lĩnh vực chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô trang trại, với trên 156.900 gia súc, 711.000 con gia cầm các loại...

Chung sức giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”, bà Lường Thị Ngọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cho hay: Cùng với nguồn kinh phí của Nhà nước, chúng tôi đã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài huyện hỗ trợ, cùng nhân dân tại các xã, thị trấn giúp ngày công, vật liệu hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Trong năm 2023, đã hỗ trợ 280 hộ xây dựng mới và 50 hộ sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng.

Đón Xuân mới năm nay, 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện về xã đã được cứng hóa; 276/355 đường nội bản được đổ bê tông. Diện mạo NTM mới các xã có nhiều đổi thay, trụ sở làm việc, trạm y tế và trường học đều được đầu tư xây dựng khang trang. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,04%; hộ cận nghèo khoảng 13,2%. Có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 43/83 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Tạm biệt Thuận Châu, nắng xuân chan hòa trên khắp các vườn cây ăn quả và những cánh đồng chè xanh ngát - Một mùa xuân mới đang về mang theo niềm tin về cuộc sống đủ đầy trên quê hương giàu truyền thống cách mạng.

Khu du lịch Pha Đin Top.
Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới