Ba lần được phong “Dũng sĩ diệt Mỹ”

“Trong thời kỳ chiến đấu oanh liệt, đồng đội của tôi, nhiều người đã anh dũng hy sinh. Có người là tân binh, mới vào nhận nhiệm vụ tại đơn vị ngày hôm trước, hôm sau đã hy sinh trong 1 trận càn, hay 1 đợt nã pháo của quân Mỹ. Tôi là người rất may mắn đã được trở về”. Đó là những lời tâm sự của Cựu chiến binh Lê Duy Nghĩa, tổ 12, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, 3 lần được tặng Huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Giọng nữ

Hồi ức Mậu Thân 1968

Năm 1966, khi đất nước đang bị chia cắt 2 miền, chàng thanh niên Lê Duy Nghĩa khi ấy mới 19 tuổi, rời quê hương Hòa An, tỉnh Cao Bằng lên đường tòng quân giết giặc với mong muốn được góp sức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 9/1966, ông biên chế về đơn vị C8 - D5 - E2 - Sư đoàn 335, Quân khu Việt Bắc và được huấn luyện chiến sĩ bộ binh đến hết năm 1966, để chuẩn bị vào chiến trường. Đây là giai đoạn cuối của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ đổ khoảng 500 nghìn quân, cùng các đồng minh như: Nam Hàn, Úc, Thái Lan... nhằm giành lợi thế trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Cựu chiến binh Lê Duy Nghĩa và những kỷ vật, huân chương trong thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Theo lời ông Nghĩa kể: Đầu năm 1967, đơn vị của ông hành quân vào miền Nam với phương châm: Vừa hành quân vừa huấn luyện. Yêu cầu của chỉ huy đối với các chiến sĩ phải nắm chắc các phương án tác chiến, sẵn sàng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, chiến đấu, chiến thắng quân địch. Đến tháng 8/1967, vào đến Bình Định và ông được biên chế vào đơn vị E12 - Sư đoàn 3, thuộc Liên khu 5 (nay là Quân khu 5). Những ngày đầu ở đơn vị mới, ông được đơn vị giao nhiệm vụ trinh sát, khảo sát đường đi dẫn các đơn vị chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Trận Khe Sanh - Đường 9 Nam Lào được coi là đỉnh cao của nghệ thuật nghi binh quân sự Việt Nam đã buộc quân địch phải dàn mỏng quân trên các mặt trận. Các trinh sát của Sư đoàn Sao Vàng, trong đó có ông Lê Duy Nghĩa, với sự giúp đỡ của du kích và nhân dân địa phương làm nhiệm vụ quan sát địch, vượt qua quốc lộ 1, tìm đường đến các điểm Phù Cát, Núi Bà. Đây được chọn làm điểm an toàn, rút quân của đơn vị trong trường hợp không làm chủ được khu vực tiến công. Ban đầu đơn vị được giao nhiệm vụ đánh vào Quy Nhơn, sau đó, Bộ Tư lệnh quyết định chuyển sang tiến công thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ông Lê Duy Nghĩa nhớ lại: Sau khi phát lệnh tổng tiến công, Trung đoàn 12 là đơn vị chủ công tiến đánh thị trấn Đập Đá và phối hợp cùng các đơn vị khác tiến hành bảo vệ mục tiêu sau khi làm chủ được khu vực giao tranh. Tuy nhiên, đơn vị tôi phải đối đầu với Sư đoàn Mãnh Hổ, lính Nam Hàn. Khác với quân lực Việt Nam cộng hòa hay lính Mỹ, lính Nam Hàn rất “lì lợm”, đánh trả bộ đội ta đến cùng, vì vậy, phải mất 8 ngày, đơn vị mới khuất phục và đánh bật được lính Nam Hàn ra khỏi thị trấn. Quân ta làm chủ được Đập Đá trong 3 ngày thì địch huy động lực lượng tổ chức phản kích dữ dội, chúng nã pháo từ Hạm đội 7, Hải quân Mỹ vào bờ, cùng các phương tiện cơ giới, thiết giáp, với lính bộ binh chủ lực là Nam Hàn. Do đó, chỉ huy đơn vị phát lệnh rút quân về Núi Bà, bảo toàn lực lượng, bí mật đóng quân ở đó đến tháng 5/1968.

Nhận nhiệm vụ giúp đơn vị phá vây

Theo lời ông Nghĩa: Sau Tết Mậu Thân năm 1968, vị trí đóng quân của Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 bị lộ, các đơn vị quân của lính Nam Hàn đã tổ chức vây hãm Núi Bà nhằm tiêu diệt quân ta. Tôi cùng hai đồng đội xung phong nhận nhiệm vụ thu hút hỏa lực địch, giúp đơn vị bí mật rút khỏi Núi Bà. Đây cũng là trận đánh tôi được tặng hai Huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Ông kể tiếp: Trận đánh đó bắt đầu vào ngày 17/5/1968, địch đổ quân tổ chức vây hãm đơn vị, bộ đội ta đã đánh trả quyết liệt. Khi đó Trung đoàn trưởng và Chính ủy đã rời đơn vị đi nhận nhiệm vụ khác, nên Tham mưu trưởng Trung đoàn Hoàng Xuân Dĩnh đã chỉ huy đơn vị vừa phòng ngự, vừa tổ chức phá vây. Đến ngày 24/5/1968, đơn vị lấy tinh thần xung phong vào tổ phá vây, các chiến sĩ Lê Duy Nghĩa, Hoàng Công Tuyết cùng Đại đội phó Võ Bình Lâm xung phong nhận nhiệm vụ được cho là cảm tử này.

Ông Nghĩa nhớ lại: Sau khi nhận nhiệm vụ, Đại đội phó đã chia 3 người xếp thành đội hình tam giác vừa đánh, vừa rút kéo địch về một phía nhằm tạo điều kiện cho đơn vị rút quân. Theo phương án tác chiến, chúng tôi chủ động nổ súng tấn công vào trại lính Nam Hàn trước, sau đó rút dần lên vị trí cao hơn nhằm lợi dụng địa hình rừng núi di chuyển liên tục để đánh lừa địch, toàn đơn vị tổ chức phá vây. Trận đánh đó diễn ra gần 1 ngày, chúng tôi vừa đánh, vừa rút và tiết kiệm đạn, kéo dài thời gian cho đơn vị rút quân.

Nhấp chén nước chè, ông Nghĩa tiếp tục câu chuyện: Trận đánh đó, tổ chúng tôi tiêu diệt được 11 tên địch tại chỗ, làm bị thương khoảng 15-20 tên, riêng tôi tiêu diệt được 5 tên tại chỗ. Do thương vong cũng như không thạo địa hình, địch rút lui. Tôi cơ động đến vị trí chiến đấu của anh Lâm và hỏi: “Nó để lại nhiều súng đạn quá, anh cho em lên thu về nhé”. Anh Lâm liền nói: “Không được, khẩn trương rút lui về vị trí tập kết của đơn vị, tránh việc bọn chúng kéo đến đông hơn”. Chấp hành mệnh lệnh, chúng tôi rời vị trí đến ẩn nấp trong hang đá, khoảng 15 phút sau, địch huy động trực thăng đến nã đạn trung liên. Chúng tôi không đánh trả, ẩn nấp kỹ để chờ địch đi thì về vị trí tập kết của đơn vị. Nhờ sự phán đoán tình hình chính xác của anh Lâm, tổ chúng tôi bảo toàn lực lượng, không có ai bị thương vong.

Thần tốc cánh quân phía Đông

Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973 đã tạo thế và đà thuận lợi cho ta tiến đến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau khi giải phóng Bình Định vào ngày 31/3/1975, Sư đoàn 3 tiếp tục quá trình vừa huấn luyện, vừa giữ vững vùng giải phóng và chuẩn bị lực lượng chu đáo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới.

Ông Nghĩa kể: Cánh quân phía Đông được thành lập theo đề xuất của Đại tướng Lê Trọng Tấn, Sư đoàn 3 - Sao Vàng được bổ sung vào cánh quân vừa tiến, vừa đánh và giải phóng các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Tôi may mắn được gặp và nói chuyện với Đại tướng Chu Huy Mân, khi ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu V, cùng Thượng tướng Nguyễn Hữu An. Trước ngày nổ súng tiến công, các vị tướng của quân đội ta về động viên anh em chiến sĩ. Tướng Mân thì tôi thường xuyên được gặp trong thời gian đóng quân và chiến đấu ở Bình Định. Còn Tướng An khi đó xuống đơn vị đã động viên chúng tôi, ngày chiến thắng không còn xa, chúng ta sắp hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao phó. Khí thế quyết tâm của toàn đơn vị khi đó lên rất cao.

Cựu chiến binh Lê Duy Nghĩa chia sẻ những kỷ niệm trong thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam với phóng viên.

Chiến dịch Hồ Chí Minh được mở màn ngày 26/4/1975, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Lê Trọng Tấn, cánh quân phía đông đã thần tốc tiến công. Cánh quân phía Đông giải phóng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 27/4/1975, đơn vị của ông Nghĩa được giao nhiệm vụ ở lại ổn định tình hình sau giải phóng. Ông Nghĩa chia sẻ: Tiếc nuối lớn nhất của tôi là đơn vị không được tiến vào Sài Gòn, để được chứng kiến giây phút lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nhưng là bộ đội làm tốt nhiệm vụ tại vùng giải phóng, cũng là góp sức cho sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cùng cả nước hướng về kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, người chiến sĩ quân giải phóng năm xưa vẫn vẹn nguyên cảm xúc hào hùng của ngày chiến thắng. Nhớ về chiến thắng, chiến công cũng là lúc ông Nghĩa nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Chia tay chúng tôi, ông Nghĩa bùi ngùi: Sư đoàn 3 - Sao Vàng là một trong những đơn vị có số liệt sĩ và thương binh đông nhất. Hầu như trận đánh lớn nào ở Liên khu 5, Sư đoàn đều có mặt và tham gia. Tôi tin rằng lịch sử cũng như thế hệ trẻ sẽ tiếp nối và không bao giờ quên sự hy sinh của những chiến sĩ đã ngã xuống cho hòa bình, thống nhất của đất nước.

Khải Hoàn (Ghi theo lời kể nhân vật)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới