Xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm

Bắc Yên, vùng đất nổi tiếng với những cây chè cổ thụ trăm năm tuổi, cùng nhiều sản vật của núi rừng, như: Sơn tra, măng trúc, thảo quả... Nâng tầm các sản vật đặc trưng của địa phương, nhiều doanh nghiệp, HTX đã tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo nên những thương hiệu độc đáo, nổi bật trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.

Bây giờ, đến xã Tà Xùa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh mây, núi, đất trời bao la, mà còn được thưởng thức hương vị đậm đà của chè cổ thụ. Nơi đây, rừng chè cổ thụ tự nhiên hầu như quanh năm mây mù che phủ, thân cây chè bám đầy địa y, tầm gửi, rêu phong, không chịu tác động của con người. Hiện nay, khu rừng chè này có 1.650 cây chè cổ thụ (200 cây đã được Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận quần thể cây di sản) đang được Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc đầu tư khai thác, chế biến, phát triển trên 10 dòng sản phẩm trà các loại. Hiện, đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, là trà xanh mây và trà xanh thiện. 

Đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Bắc Yên tại Festival trái cây và các sản phẩm OCOP năm 2022.

Các sản phẩm chè được công nhận là sản phẩm OCOP ngày càng được nhiều người biết đến. Anh Nguyễn Văn Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cho biết: Đến du lịch Tà Xùa, tôi được thưởng thức chè rất ngon và lạ của Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc. Trực tiếp đến thăm khu đồi chè cổ thụ và đến cơ sở chế biến của Công ty, tôi thấy chè được chế biến theo dây truyền khép kín, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại, nhưng vẫn giữ lại hương vị thơm ngon, ngọt đậm sau khi pha uống. Hơn nữa, cây chè Shan tuyết sống tự nhiên trên độ cao gần 2.000 m, phù hợp với đất đai, khí hậu, không hề có sự chăm bón bằng các loại phân vô cơ nên sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, tôi đã chọn mua về làm quà cho bạn bè và người thân.

Nhân viên của Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc giới thiệu sản phẩm Trà xanh mây cho khách du lịch.

Ông Phạm Vũ Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc, cho biết: UBND huyện đã cho phép cho Công ty khai thác 30 ha chè Shan tuyết cổ thụ tại các bản Tà Xùa, bản Bẹ của xã Tà Xùa, sản lượng khoảng 50 tấn chè búp tươi/năm, với giá 60-70 nghìn đồng/kg. Đây là một trong những loại chè ngon nhất Việt Nam, khi chế biến thành trà khô thì giá bán trung bình ngoài thị trường dao động từ 1,8 triệu đồng – 6 triệu đồng/kg. Ngoài 2 loại chè được công nhận sản phẩm OCOP, Công ty đang phát triển một số sản phẩm khác từ chè Shan tuyết, như: Trà Viên (cánh hình tròn); trà Trúc (cánh hình lá trúc) và trà Mây (cánh cong). Hiện, các sản phẩm chè Shan tuyết của công ty đang được tiêu thụ rộng rãi trên các tỉnh thành trong cả nước và đang hướng tới xúc tiến xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài, như: Đài Loan, Pháp, Nhật Bản… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quảng bá, giới thiệu đặc sản của địa phương, tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân địa bàn.

Hiện nay, huyện Bắc Yên đã có 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, 3 sản phẩm gồm: Trà xanh mây, Trà xanh thiện và Tinh dầu sả Java được công nhận 4 sao; 2 sản phẩm Táo sơn tra khô và Măng trúc muối ớt được công nhận 3 sao. Năm 2022, huyện Bắc Yên đang xây dựng 2 sản phẩm Thảo quả sấy khô và Rượu Hang Chú làm sản phẩm OCOP cấp tỉnh.  Các sản phẩm này đã được tiêu thụ, quảng bá, giới thiệu tại các điểm bán hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh và trên các sàn thương mại điện tử (conghtxocop.vn; sanhocop.vn).

Các sản phẩm OCOP của huyện Bắc Yên được trưng bày tại Festival trái cây và các sản phẩm OCOP năm 2022.

Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện tập trung triển khai Chương trình OCOP để các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện đăng ký sản phẩm. Đồng thời, phát triển từ 1 đến 2 sản phẩm đã tham gia đánh giá, xếp hạng Chương trình OCOP trong năm 2022 được xếp hạng cấp tỉnh từ 3 sao trở lên. Tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng từ 3 sao lên 4 sao, 4 sao lên 5 sao. Đồng thời, phát triển các ý tưởng mới gắn với sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phấn đấu đến năm 2025, huyện có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. 

Xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu OCOP là hướng đi đúng, được người dân hưởng ứng, tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Qua đó, thúc đẩy các địa phương trên địa bàn huyện Bắc Yên khai thác các tiềm năng, lợi thế, tái cơ cấu nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững; đưa các sản phẩm mang thương hiệu của huyện Bắc Yên đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới