Xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng tiêu thụ nông sản an toàn

Năm 2016, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mô hình trồng cam Vinh ở xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Công tác quy hoạch sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và quản lý chất lượng hàng hóa nông sản được quan tâm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2016 đạt 10.579 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2015.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 11 quy hoạch ngành, sản phẩm nông nghiệp, gồm: phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển thủy sản; phát triển vùng nguyên liệu mía đường tập trung; vùng trồng cà phê tập trung; vùng sản xuất chè an toàn; vùng sản xuất rau an toàn; vùng sản xuất quả an toàn tập trung; phát triển bò sữa; nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tầm; phát triển vùng nguyên liệu bông vải; phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu. Năm 2016, diện tích một số cây trồng chủ lực của tỉnh đều tăng so với năm 2015, trong đó diện tích cây ăn quả hiện có 20.743 ha, tăng 9%; cà phê gần 12.400 ha, tăng 5,8%; mía 6.300 ha, tăng 15%;  rau các loại 6.109 ha, tăng 2,7%. Một số địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha, thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung giai đoạn 2011-2020, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có gần 500 ha rau an toàn, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành 15 cơ sở sản xuất rau an toàn tập trung, diện tích 93,3 ha, chủ yếu tập trung ở huyện Mộc Châu với 8 cơ sở, Mai Sơn 2 cơ sở,  Yên Châu 1 cơ sở, Thành phố 2 cơ sở, Mường La 1 cơ sở và Phù Yên 1 cơ sở. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất quả an toàn tập trung, mục tiêu đến năm 2020, diện tích cây quả toàn tỉnh đạt 21.100 ha, với các loại quả chất lượng cao, như: nhãn, xoài ghép, cam, quýt, bưởi, bơ, na..., tập trung ở các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Mường La và Thành phố. Mấy năm gần đây, thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, cải tạo vườn tạp, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai chương trình cải tạo vườn cây ăn quả bằng các giống chất lượng cao. Trong đó, diện tích nhãn ghép đạt 4.041 ha, chiếm 49% diện tích nhãn trong toàn tỉnh; xoài ghép 744 ha, chiếm 19% diện tích xoài và 125 ha cây ăn quả có múi chất lượng cao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, gồm các loại quả: nhãn, xoài, bưởi da xanh, na dai, thanh long ruột đỏ, táo, ổi, với tổng diện tích 225 ha. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã thực hiện hỗ trợ 41 doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, quả và nuôi thủy sản áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hoàn thành hỗ trợ xây dựng, duy trì và phát triển 28 chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ rau, quả, thịt, thủy sản an toàn; hỗ trợ hình thành 5 cửa hàng nông sản an toàn có xác nhận trên địa bàn Thành phố và Mộc Châu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm, tổ chức điều tra khảo sát 8 sản phẩm chủ lực, gồm cà phê, nhãn Sông Mã, bơ Mộc Châu, na Mai Sơn, cá tầm, cá lòng hồ thủy điện, nếp tan Mường Và (Sốp Cộp), sơn tra (Bắc Yên, Mường La) để đánh giá hiện trạng sản xuất, chế biến và thương mại, đề xuất phương án xây dựng và bảo hộ thương hiệu; xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La, xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận nhãn Sông Mã. Đến nay, các sản phẩm cà phê Sơn La, nhãn Sông Mã, bơ Mộc Châu, na Mai Sơn, nếp tan Mường Và (Sốp Cộp), cá lòng hồ thủy điện sông Đà (Quỳnh Nhai), cá tầm (Mường La) và sơn tra (Bắc Yên, Mường La) đã được cấp văn bằng bảo hộ và đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè shan tuyết, chè Olong, rau an toàn (Mộc Châu), xoài tròn Yên Châu, mật ong Sơn La và chè Tà Xùa (Bắc Yên). Đặc biệt, tỉnh ta đã triển khai việc kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, thực hiện hợp tác xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm với thành phố Hà Nội, thông qua các hội chợ, tổ chức tuần hàng, đã giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Hiện, tỉnh đang rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, triển khai lập mới quy hoạch phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với kiểm soát các khâu liên quan đến sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, kiểm soát việc tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn.


Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới