Về bản văn hóa Tháng 5

Những năm gần đây, nhân dân bản Tháng 5, xã Tà Lại (Mộc Châu) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân bản Tháng 5 đã có nhiều khởi sắc, từ năm 2008 đến nay, bản Tháng 5 luôn giữ vững danh hiệu bản văn hóa.

 

Một góc bản Tháng 5, xã Tà Lại.

Anh Hà Văn Phương, Trưởng bản Tháng 5 cho biết: Hiện bản có 73 hộ, với 325 nhân khẩu, thuộc 2 dân tộc Mường, Thái cùng sinh sống. Bản có trên 90 ha đất nông nghiệp, trong đó 12 ha đất ruộng, gần 30 ha đất trồng cây ăn quả, còn lại là đất nương trồng cây lương thực ngắn ngày. Trước đây, một số hộ dân đã chuyển đổi từ trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, nhưng do chưa áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, nên hiệu quả không cao. Từ năm 2014 đến nay, được cán bộ khuyến nông huyện, xã hướng dẫn cải tạo vườn tạp, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả trên đất nương, bà con đã áp dụng vào thực tế sản xuất, với các mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, nhiều hộ có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, như hộ các ông: Hà Văn Lộc, Bùi Văn Nghĩa, Bùi Văn Cọi... Góp phần giảm hộ nghèo ở bản còn 15 hộ.

Được Ban Quản lý bản Tháng 5 giới thiệu, chúng tôi đến thăm vườn cam của gia đình ông Bùi Văn Nghĩa. Năm 2014, gia đình ông Nghĩa chuyển hơn 1 ha đất trồng ngô sang trồng cây cam Vinh. Đất đai và khí hậu phù hợp, lại áp dụng quy trình kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên cây sinh trưởng tốt. Để có thêm kinh nghiệm, ông Nghĩa và một số người dân trong bản đã đi học hỏi tại các mô hình trồng cây ăn quả ở thị trấn Nông trường Mộc Châu. Năm 2019, gia đình ông thu vụ quả đầu tiên với trên 1,5 tấn, bán với giá trung bình là 15.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình ông thu hơn 15 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi gần 500 con gà ta, trên 100 con vịt, xuất bán hàng tháng cho các cửa hàng trên địa bàn xã, huyện, trừ chi phí thu trên 15 triệu đồng/tháng. Ông Nghĩa chia sẻ: Từ chăn nuôi gia cầm và kết hợp trồng cây ăn quả trên đất dốc, đời sống của gia đình ngày càng khá giả. Gia đình vừa mở cửa hàng bán tạp hóa để tăng thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý bản còn tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, tu sửa công trình thủy lợi, làm nhà vệ sinh và đào hố chứa rác thải, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường. Năm 2017, được Nhà nước hỗ trợ xi măng, bản đã vận động nhân dân đóng góp 1,4 triệu đồng/khẩu để đổ bê tông 1,6 km đường vào bản và tuyến đường nội bản. Bản thường xuyên tổ chức quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải, trồng cây, hoa hai bên đường. Hiện, 100% số hộ trong bản được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 80% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nhiều năm liền bản không có ma túy... Phong trào văn hóa, văn nghệ được bà con tích cực tham gia, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần...

Với mục tiêu: Giữ vững danh hiệu bản văn hóa, thời gian tới, nhân dân bản Tháng 5 tiếp tục đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, trong sinh hoạt, xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống, góp sức cùng với xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

A Trứ
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới