Tỷ phú giữa rừng đại ngàn

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có chuyến công tác đến xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, được Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Mạnh Chiến giới thiệu về Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Tiến Thành - Nguyễn Văn Tiến người được mệnh danh là tỷ phú giữa rừng đại ngàn.

 

Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến.

Nói rồi, ông Tiến đưa chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình. Đã đi nhiều vùng trồng cây ăn quả, nhưng lần này, chúng tôi bị choáng ngợp bởi màu xanh ngát của các loại cây: cam, nhãn, xoài được trải dài xa ngút tầm mắt trên các sườn đồi. Con đường bê tông rộng hơn 1m chạy dài từ dưới chân đồi lên tận đỉnh, hệ thống bể nước được xây dựng giữa đỉnh đồi. Bước chân vào vườn cam được trồng thành từng hàng, vừa đi vừa phải vén những chùm cam sai lúc lỉu quả chúng tôi mới có thể đi tiếp. Dừng chân tại một gốc cam, ông Tiến chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 3 ha trồng giống cam Vinh, năm ngoái vườn cam đã bắt đầu cho thu bói, dự tính năm nay cho thu hoạch khoảng 10 tấn. Để cây cam phát triển xanh tốt trên đất đồi, khi mới đưa cây cam về trồng, tôi gặp rất nhiều khó khăn, việc tìm mua giống cam chất lượng khiến tôi mất nhiều thời gian, rồi sau khi mua được giống cây tốt thì lại gặp vấn đề về kỹ thuật chăm sóc, nguồn nước không đủ tưới cho cây vào mùa khô. Sau một thời gian tìm hiểu thực tế từ các hộ đã phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, huyện, gia đình tôi xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho vườn cam, nhờ đó mà vườn cam của gia đình phát triển rất tốt, lượng nước cùng phân hòa tan được cung cấp cho cây đúng thời điểm, mùa vụ nên sản lượng quả cam thu được lớn hơn trước, cam ngọt và đẹp mã.

Chúng tôi lần lượt đi tham quan khu vườn xoài và nhãn ghép, qua trao đổi với ông Tiến, được biết: Hiện, gia đình có 15 ha trồng cây ăn quả, gồm các loại: Cam, nhãn và xoài. Năm 2017, gia đình thu được 20 tấn nhãn, 10 tấn cam và 5 tấn xoài, tổng doanh thu của gia đình đạt trên 1 tỷ đồng. Vào thời điểm này, có đến chục lao động địa phương được thuê làm vườn, với mức thu nhập từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày. Diện tích vườn cây ăn quả lớn, nhưng việc làm cỏ đều sử dụng bằng máy hoặc thủ công, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Ông Tiến tâm sự: Vẫn biết việc làm cỏ, chăm sóc cây bằng thủ công sẽ tốn nhiều công sức hơn, ai cũng nghĩ sử dụng thuốc diệt cỏ sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian lao động, hiệu quả sẽ tăng, nhưng nếu tính về hiệu quả lâu dài, cứ dùng thuốc diệt cỏ thì dần dần thuốc sẽ ngấm vào đất, ảnh hưởng đến chính sức khỏe của gia đình cũng như mọi người xung quanh. Hơn nữa, càng hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ cho ra những sản phẩm sạch, an toàn.

Mất nửa buổi chúng tôi mới thực hiện hết chuyến tham quan vườn cây ăn quả của gia đình ông Tiến. Trở lại nhà đã quá trưa, mâm cơm với thịt gà, cá sông và rau rừng đã được dọn sẵn để mời khách. Vừa nhâm nhi chén rượu, ông Tiến tiếp tục câu chuyện về hành trình gắn bó với mảnh đất Chiềng Xuân. Là một chàng trai gốc Hà Nội, năm 1985 ông lên Sơn La, đầu tiên ông chọn xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) làm nơi khởi nghiệp. Nhưng năm 1989, ông cùng gia đình quyết định chuyển đến bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân để sinh sống, lúc đó gia đình chủ yếu trồng ngô và kinh doanh nhỏ lẻ. Đến năm 2011, nhận thấy cây nhãn phát triển tốt phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây, nên ông thuê người từ Hưng Yên lên ghép mắt cho vườn nhãn, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, vườn nhãn phát triển tốt và cho thu nhập cao. Sau thời gian tích lũy, ông đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng nhãn và đưa thêm cây cam, xoài ghép vào trồng. Năm 2014, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ông Tiến tâm sự thêm: Trước sự phát triển nhanh về diện tích cây ăn quả, năm 2016 tôi cùng một số người trong xã đứng ra thành lập HTX nông nghiệp Tiến Thành với 8 thành viên, được sự tín nhiệm của thành viên HTX, tôi được đề cử làm Chủ tịch HĐQT. Xác định trách nhiệm đối với HTX cũng như các thành viên, tôi cùng với một số anh em tìm các mối cung cấp phân bón, cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây để đưa đến bà con; thông qua nhiều hội chợ, đợt quảng bá nông sản để giới thiệu sản phẩm của HTX với khách hàng và tìm kiếm các hợp đồng tiêu thụ. Đến nay, HTX có 10 thành viên với diện tích cây ăn quả trên 50 ha.

Chia tay gia đình ông Tiến vào lúc xế chiều. Không lâu nữa lại bước vào vụ thu hoạch, thành quả lao động của những người nông dân chịu thương, chịu khó sẽ mang lại cuộc sống ngày một ấm no, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới