Trồng cây ăn quả trên đất dốc - chủ trương đúng và trúng

5 năm trở về trước, Sơn La được coi là “thủ phủ” của nông sản ngô, sắn... nhưng những năm gần đây đất bạc màu, ngô mất giá, những khoảnh đồi bắt đầu bị bỏ hoang. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tỉnh ta đã có những chủ trương, chính sách để chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

 

Mô hình trồng cam của nông dân xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Tạo bước chuyển cho sản xuất nông nghiệp

Với trên 360.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, cùng với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nhân lực dồi dào là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển vùng cây ăn quả tập trung, chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do yếu tố vị trí địa lý, trình độ canh tác và lối tư duy sản xuất của người dân chủ yếu theo hình thức tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán; chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dẫn đến giá trị thu nhập trên đơn vị đất canh tác thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Trăn trở tìm lời giải cho “Bài toán chuyển đổi cây trồng trên đất dốc” rất nhiều cuộc khảo sát, đề án chuyển đổi liên tục được bàn thảo, những cuộc hội thảo từ phòng họp ra đến tận nương rẫy và những chuyến thăm quan học tập các mô hình kinh tế ở các địa phương được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành trực tiếp tham gia. Đó là những cơ sở ban đầu để ngày 30/11/2015, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 121-TB/TU về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020. Cùng với đó, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn để huy động nguồn lực trong xã hội thúc đẩy sản xuất bền vững, nâng cao giá trị trong sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản. Tiếp đó, để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhiều nghị quyết được ban hành, như: Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 37 và Nghị quyết số 80 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021...

Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã thực sự tạo sức bật cho ngành nông nghiệp, bức tranh nông nghiệp, nông thôn khởi sắc từng ngày. Điển hình từ năm 2017 đến nay, có trên 71.600 hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ 200.000 đồng/hộ để ghép, cải tạo 3,5 triệu cây ăn quả. Các chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ tiền mua giống cây trồng, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp hàng chục doanh nghiệp, HTX, Liên hiệp HTX và các thành viên HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự theo chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.

Trồng gắn với bao tiêu sản phẩm, HTX Ngọc Lan tại xã Hát Lót (Mai Sơn) đã thành công với mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX, cho biết: HTX hiện có 52 thành viên, với quy mô 100 ha trồng xoài, nhãn và bưởi da xanh theo mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Từ năm 2015 đến nay, HTX luôn nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, như: Tiền hỗ trợ mua cây giống; hỗ trợ kỹ thuật thực hành sản xuất; thăm quan học hỏi kinh nghiệm, mua tem nhãn, bao bì phục vụ tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, được hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng nhà sơ chế nông sản và 500 triệu đồng xây dựng vườn ươm giống cây ăn quả lưu vườn... Những chính sách đó đã đem lại hiệu quả rõ rệt, vụ năm nay trên 100 tấn xoài của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Australia và Trung quốc.

 

Những tỷ phú vườn đồi

Mai Sơn, một trong những vựa ngô lớn nhất tỉnh. Nhưng khi ngô mất giá, nông dân lại phải bỏ đất hoang thì chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc như luồng gió mới làm thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân. Ông Nguyễn Đắc Đông, bản Nà Cang, xã Hát Lót, thành viên của HTX Ngọc Lan, vừa dẫn chúng tôi thăm vườn cây ăn quả, vừa tâm sự: Vùng này trước đây là đất trồng ngô, người dân từ năm này sang năm khác chỉ gieo trồng một vụ; chi phí giống, phân bón nên thu nhập cả năm không đáng kể. Chính vì thế, khi tỉnh ban hành chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, gia đình tôi đã đầu tư chuyển đổi gần 3 ha đất trồng ngô sang trồng xoài tượng da xanh; niên vụ 2018, gia đình tôi thu hơn 40 tấn xoài, bán với giá trung bình 12.000 đồng/kg, thu về hơn 400 triệu đồng. Nhìn vườn đồi xanh ngút ngàn, nét mặt ông rạng rỡ bởi hướng đi đúng trong chuyển đổi cây trồng và chính ông cũng không ngờ có được thành quả như ngày hôm nay.

Vườn chanh leo của anh Nguyễn Duy Minh, tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu

do Công ty cổ phần Nafoods cung cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật.

Khẳng định chủ trương, chính sách của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, ông Cầm Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Sơn, cho biết: Mai Sơn là bức tranh thu nhỏ cho tiềm năng nông nghiệp của Sơn La, đến nay, toàn huyện Mai Sơn có 3.958 ha cây ăn quả, tăng 1.285 ha so với năm 2017, sản lượng năm 2018 đạt trên 18.000 tấn; xuất khẩu 877 tấn xoài da xanh, nhãn, na, thanh long sang thị trường Trung Quốc, Trung đông, Australia... đưa mức thu nhập bình quân 1 ha cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn tương tự đạt khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm.

Từ Mai Sơn theo quốc lộ 4G chúng tôi vào Sông Mã. Từ xã Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Chiềng Khương đến Nà Nghịu, thị trấn Sông Mã, hai bên sườn đồi chạy dọc bên dòng sông Mã là màu xanh bạt ngàn của nhãn. Vùng này nhãn được trồng từ những năm 60, thế kỷ trước, cây nhãn cũng dần thoái hóa, già cỗi, quả nhỏ nên thu nhập giảm dần. Những năm gần đây, thực hiện việc chiết ghép nhãn nên đã cải tạo được vùng nhãn này, chất lượng nhãn được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có trên 34.000 hộ dân ở 19 xã, thị trấn trồng nhãn với diện tích trên 6.000 ha, chiếm trên 83% diện tích cây ăn quả của địa phương và trở thành cây ăn quả chủ lực cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Cũng giống như hàng trăm hộ dân khác, anh Nguyễn Bá Thụy, bản Tiên Cang, xã Chiềng Cang đã trở thành triệu phú vùng biên khi mỗi năm vườn nhãn cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Anh Thụy kể: 1 ha trồng ngô một năm thu được 20 tấn bắp, bán với giá 3.500 đồng/kg chỉ thu được 70 triệu đồng, trừ tiền đầu tư còn lại chẳng được bao nhiêu. Năm 2006, tôi chuyển sang trồng nhãn. Những năm đầu do giống nhãn địa phương là nhãn nước, quả lại bé nên có năm chỉ bán được 1.000 đồng/kg. Năm 2015, nhờ cán bộ huyện về tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật ghép cải tạo 1 ha nhãn bằng giống nhãn Miền Thiết và chuyển đổi 2 ha trồng ngô sang trồng 2.400 cây nhãn ghép; vụ vừa qua, gia đình tôi thu 27 tấn quả tươi, trừ tất cả chi phí cho lãi hơn 300 triệu đồng, dự tính vụ năm sau khi vườn nhãn trưởng thành, sản lượng sẽ tăng gấp 2, 3 lần năm nay.

Nhờ chủ trương trồng cây ăn quả của tỉnh đã mang đến một diện mạo mới cho bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà, hình ảnh những mảng đồi trơ trọi, xói mòn sau mỗi vụ thu hoạch ngô trước đây dọc quốc lộ 6, quốc lộ 4G cũng như các tuyến đường liên xã, liên bản trên địa bàn tỉnh hôm nay đã được phủ màu xanh của những vườn xoài da xanh, nhãn ghép, chanh leo và nhiều loại cây ăn quả có múi, mang về thu nhập hàng tỷ đồng cho người dân. Và danh sách những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu với mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc mỗi năm được dài thêm.

Thương hiệu trái cây Sơn La an toàn

Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã thực sự tạo sức bật lớn cho ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 57.000 ha cây ăn quả, tăng 30.000 ha so với năm 2016, sản lượng quả năm 2018 đạt 218.000 tấn. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, duy trì phát triển sản xuất 35 chuỗi quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự, với diện tích 549 ha; trên 155 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng cung cấp cho hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội và cho xuất khẩu; thành lập 107 doanh nghiệp, HTX sản xuất cây ăn quả; tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện nhà máy chế biến chanh leo, rau củ quả chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2018, Nhà máy chế biến hoa quả và đồ uống nước hoa quả của Tập đoàn TH đã khởi công. Đây là tín hiệu vui thể hiện sức hút lớn của thị trường nông sản Sơn La.

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản của Sơn La tại Hội nghị kết nối chuỗi phát triển,

sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại Mộc Châu. 

Để tiếp sức cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ dân, ngày 4/4/2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 76/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021 và Nghị quyết số 80/NQ-HĐND về Đề án Phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh trồng 100.000 ha cây ăn quả các loại; sản lượng quả khoảng trên 1,1 triệu tấn, đảm bảo nguyên liệu cho hai nhà máy chế biến quả đạt 100.000 tấn quả tươi/năm; sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn cho xuất khẩu trên 3.000 tấn/năm ra thị trường nước ngoài.

Sau 3 năm thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc đã mang lại một diện mạo mới cho nông nghiệp tỉnh nhà. Giờ đây, về Mai Sơn, xuống Yên Châu, Mộc Châu vào Sông Mã, Mường La hay lên tận xã vùng cao của Co Mạ (Thuận Châu), Phù Yên, Bắc Yên, đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh và những câu chuyện kể về những nông dân thoát nghèo, giàu lên từ mô hình trồng cây ăn quả. Những chuyến thăm quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm hay về trồng cây ăn quả là câu chuyện đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ của người dân từ các bản, tiểu khu, của cấp ủy, chính quyền địa phương từ xã lên đến huyện và tỉnh. Với cách làm bài bản, khoa học mà tỉnh đang triển khai, những “mùa vàng” nông sản đã và đang hiện hữu đối với nông dân Sơn La.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới