Trò chuyện cùng người giáo viên năm 59

60 năm về trước, ở các xã vùng sâu, vùng xa của Sơn La nói riêng, Tây Bắc nói chung hầu như chưa có trường học, lớp học. Nạn đói, mù chữ và nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan rất trầm trọng trong đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng cao. Sau khi Bác Hồ cùng Đoàn công tác của Trung ương về thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La ngày 7/5/1959, chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào, chỉ vài tháng sau tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra một cuộc vận động đầy nghĩa tình mang tính lịch sử của ngành Giáo dục và Đào tạo - cuộc vận động đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào miền núi. Mùa thu năm 1959, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thanh niên trí thức miền xuôi đã chia tay gia đình, bạn bè tình nguyện lên đường phục vụ tại Sơn La.

 

Ông Lê Văn Thư trò chuyện với phóng viên Báo Sơn La.

Những người giáo viên trong đoàn quân năm ấy nay đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng những năm tháng tự hào mang kiến thức, ánh sáng của Đảng đến với đồng bào các dân tộc thì mãi là những kỷ niệm không thể phai mờ. Đặc biệt hơn, nhiều người đã coi Sơn La là quê hương thứ hai, coi đồng bào các dân tộc thiểu số như anh em ruột thịt. Người giáo viên mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, trò chuyện trong chuyến công tác này là ông Lê Văn Thư, đang sinh sống tại xóm 1, tiểu khu 11, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Ở tuổi 89, nhưng ông Thư vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn khi kể lại những ngày tháng đầu lên Sơn La. Ông bảo, quê ông tận huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trước khi lên Sơn La, ông là giáo viên bình dân học vụ tại quê nhà. Sau được cử tham gia lớp sư phạm sơ cấp liên khu IV. Tốt nghiệp ra trường, năm 1956, được điều động ra Bắc làm công tác giảng dạy, rồi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường cấp I Vũ Phúc, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Nhắc lại thời gian tình nguyện lên Tây Bắc, ông xúc động: Mùa thu năm 1959, nghe lời kêu gọi của Bác, tôi hăng hái xung phong lên Tây Bắc để phát triển văn hóa, giáo dục miền núi. Trước khi lên đường, chúng tôi được gặp Bác, Người dặn: Các cháu đã xung phong lên Tây Bắc thì xung phong đến nơi, đến chốn, phải quyết tâm bền bỉ hoàn thành nhiệm vụ! Những ngày đầu trên Tây Bắc, ông được phân công làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Tiếp những năm tháng công tác trong ngành Giáo dục, ông được phân công giữ chức vụ Hiệu trưởng tại các trường: Bổ túc cán bộ (Chiềng Mai), Tiểu học Phiêng Pằn, Bổ túc văn hóa huyện, Thanh niên dân tộc huyện, rồi chuyển sang Phòng GD-ĐT huyện đến khi nghỉ hưu năm 1989.

Ông chia sẻ, trong 2 năm (1960-1962) giữ chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phiêng Pằn, một trong những ngôi trường của xã biên giới đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, học sinh ở rất xa nhà trường, ông cùng các đồng nghiệp kiến nghị với huyện, vận động xã cho tổ chức nấu ăn và ở nội trú tại trường; giáo viên cùng học sinh cấy rau, tra ngô, trồng sắn để có cái ăn. Năm đầu tiên, thu hoạch được tới 4 tấn ngô, trở thành nguồn lương thực dự trữ cho các năm tiếp sau. Trong suốt năm học, số lượng học sinh ở nội trú luôn duy trì hơn 5 chục em học sinh từ lớp vỡ lòng đến lớp 3. Ông và đồng nghiệp còn đứng ra vận động mở thêm lớp bổ túc do giáo viên người dân tộc Thái lên lớp (dạy cả chữ Thái và chữ phổ thông) cho người dân 2 xã Phiêng Pằn (Mai Sơn) và Mường Sai (Sông Mã). Năm học 1963-1964, được phân công làm Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa huyện, nhưng chỉ sau 1 năm, cơ duyên lại đưa ông trở về Phiêng Pằn, nhưng lần này là cùng 17 giáo viên lên thực hiện công tác xóa mù chữ cho toàn xã Phiêng Pằn. Sau 2 năm tuyên truyền, vận động, tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho 200 học viên, trong xã ai cũng biết đọc, viết chữ, nhất là chữ Thái. Thời điểm này, ông tiếp tục được giao phụ trách cả THCS Phiêng Pằn và mở các lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ xã. Bằng sự cố gắng, nỗ lực, đội ngũ giáo viên nhà trường đã đào tạo được những giáo viên là người dân tộc tại chỗ, các bản đều có giáo viên.

Ðã 60 năm trôi qua nhưng kỷ niệm về những ngày tháng cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, đem trí tuệ, sức lực của tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và xây dựng quê hương Sơn La, thắp lên ngọn lửa của lòng hiếu học trong đồng bào các dân tộc Sơn La, mãi là kỷ niệm thiêng liêng trong đời người giáo viên tình nguyện năm nào. Suốt hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, tâm huyết với nghề và nỗ lực vượt lên khó khăn, đóng góp tích cực vào công tác xóa mù chữ và giáo dục của huyện Mai Sơn, ông Lê Văn Thư đã thực hiện tốt lời dạy của Bác trước lúc lên đường, thực sự là tấm gương truyền lửa nhiệt huyết cho lớp trẻ học tập, noi theo.

Nguyễn Yến - Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới