Trao “cần câu” cho nông dân

Theo giới thiệu của Trạm Khuyến nông huyện Sốp Cộp, chúng tôi tới mô hình nuôi dê sinh sản được triển khai từ tháng 12/2016 tại bản Mới, xã Nậm Lạnh.

 

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Sốp Cộp hướng dẫn bà con bản Nà Vèn,

xã Mường Và (Sốp Cộp) chăm sóc cây cam.

 

Dự án đầu tư 27 con dê cho 3 hộ dân nuôi, trị giá hơn 113 triệu đồng trích từ nguồn vốn chương trình 30a. Anh Tòng Văn Tiết, một trong 3 chủ hộ thực hiện dự án, phấn khởi: Khi tham gia mô hình, gia đình tôi được hỗ trợ 9 con dê (1 con đực, 8 con cái); cán bộ khuyến nông huyện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, phương pháp chăm sóc, pha trộn cám ngô, cám sắn làm thức ăn cho dê; phổ biến kỹ thuật trồng cỏ... Hiện, 16 con dê trong đàn phát triển tốt. Năm vừa qua, tôi bán được 10 con dê, giá 80.000 đồng/kg, thu về gần 20 triệu đồng. Từ mô hình nuôi dê, gia đình đã thoát nghèo.

Trao đổi thêm với bà Trần Thị Ngọc, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện được biết từ nguồn vốn các chương trình hỗ trợ người dân như 30a, xây dựng nông thôn mới, ngân sách của tỉnh..., Trạm đã triển khai xây dựng các mô hình phù hợp, hiệu quả, đúng mục đích, tổ chức khảo sát thực tế thói quen sản xuất của bà con, tổ chức họp dân lựa chọn các đối tượng được thụ hưởng và mô hình phù hợp, thực hiện phương châm “cầm tay, chỉ việc”, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi.v.v. định kỳ 2 lần/tháng xuống kiểm tra thực tế các mô hình, theo dõi sự phát triển của đàn gia súc. Ngoài ra, còn vận động, tư vấn bà con xây dựng các mô hình tự nguyện, chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ bà con kỹ thuật và phương pháp chăm sóc đàn vật nuôi. Từ năm 2017 đến nay, Trạm đã mở 106 lớp tập huấn tự nguyện cho hơn 4.500 lượt người dân về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc, kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, chăn nuôi dê; hỗ trợ nông dân xây dựng 11 mô hình gồm: chăn nuôi bò sinh sản, nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi lợn rừng sinh sản, nuôi dê sinh sản, ngựa sinh sản, trồng, chăm sóc cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI... Vận động xây dựng 20 mô hình tự nguyện nuôi gà thả vườn, gà sinh học an toàn, nuôi lợn nái sinh sản, nuôi vịt đẻ, mô hình vườn - ao - chuồng, trồng cây ăn quả trên đất dốc... điển hình các hộ gia đình anh Cầm Văn Tư, chị Tòng Thị Hằng, ông Tòng Văn Thiếm (xã Sốp Cộp)... có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; vận động 10 hộ tham gia chương trình sử dụng khí sinh học biogas. Theo đánh giá, hiệu quả của các mô hình đều khả quan, thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa của người dân, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững.

Bằng việc triển khai các mô hình, hỗ trợ kỹ thuật, đưa ra phương thức sản xuất mới, Trạm Khuyến nông huyện Sốp Cộp đã và đang giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất cũ, phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế hộ, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các mô hình sản xuất của nông dân một cách hiệu quả.

Thu Hằng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới