Tiếp sức doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Chủ động, đổi mới từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hướng mạnh về cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp - là những điểm mới trong điều hành hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La. Từ đó, kịp thời đề xuất với tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, tạo môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thăm mô hình trồng sâm cát tại xã Mường Và, huyện Sốp Cộp.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La có 11 chi hội doanh nghiệp các huyện, thành phố; 6 tổ chức hội thành viên, với trên 800 hội viên. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thì giá các loại nguyên, vật liệu xây dựng, giá xăng liên tục tăng cao khiến doanh nghiệp gặp khó lại thêm khó.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hiệp hội đã tổng hợp 35 kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp gửi UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; chủ trì tổ chức 3 chương trình gặp mặt đối thoại với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, UBND Thành phố, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI).

Giúp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tháo gỡ khó khăn trước ảnh hưởng của việc giá vật liệu xây dựng tăng cao, Hiệp hội đã kịp thời chỉ đạo và phân công Tổ tư vấn giá vật liệu của Hiệp hội phối hợp với Chi hội Doanh nghiệp các huyện, thành phố và Sở Xây dựng tiến hành khảo sát, công bố đơn giá vật tư, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La trong quý I và quý II năm 2022; rà soát, tổng hợp, đánh giá mức độ ảnh hưởng do giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng của các hợp đồng thi công xây lắp đã ký kết; đề xuất điều chỉnh đơn giá vật liệu và giá gói thầu để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài các hoạt động do Hiệp hội chủ trì, phối hợp thực hiện, Ban Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn tham dự các chương trình, hội nghị đối thoại do các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố, như: Hội nghị của UBND tỉnh về “Đối thoại với các doanh nghiệp liên quan đến công tác môi trường, đất đai và nghĩa vụ tài chính lần I, năm 2022”; Huyện ủy, UBND huyện Mai Sơn tổ chức “Gặp mặt, làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã”; Thành ủy, UBND Thành phố tổ chức “Đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất và kinh doanh cho doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Thành phố”. Đồng thời, Hiệp hội phối hợp, đôn đốc các sở, ngành liên quan trả lời, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp….

Ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thông tin: Do đa số các kiến nghị có liên quan đến việc xử lý tài sản trên đất, bổ sung quy hoạch, đăng ký biến động quyền thuê đất, xác định vị trí đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao dự án, đấu giá tài sản trên đất, xử lý phá sản, điều chỉnh các cơ chế, chính sách… liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cấp thẩm quyền khác nhau, nhiều vụ việc khó, phức tạp, rất mất thời gian để các cấp, các ngành phối hợp giải quyết. Kết quả, 6 tháng qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo, giải quyết 63 kiến nghị của doanh nghiệp, HTX; có 6 kiến nghị đã giải quyết xong, 43 kiến nghị đang giải quyết, 14 kiến nghị mới.

Thêm lực phục hồi, phát triển

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và chi hội doanh nghiệp các huyện, thành phố đã phối hợp với các sở, ban ngành, cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà sát, thẩm định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng, với số dư nợ 7.950 tỷ đồng; cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất kinh doanh 37.000 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên 13.000 tỷ đồng, với 15.700 khách hàng; hạ lãi suất cho vay từ 0,1% - 6,6%/năm đối với các khoản vay cũ, lũy kế từ đợt dịch bùng phát lần thứ 4 số dư nợ được giảm lãi suất là 20.905 tỷ đồng, số lãi được giảm là 79,3 tỷ đồng cho 46.169 khách hàng; miễn giảm 9,5 tỷ đồng tiền thuế; lũy kế 6 tháng qua với tổng số tiền là 127,2 tỷ đồng.

 Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh làm việc với huyện Sốp Cộp.

Hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La đã cho 5 doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc đối với 37 lao động, với số tiền 169 triệu đồng; hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng kinh phí gần 32 tỷ đồng; đã hoàn thành chi trả 100% hỗ trợ bằng tiền từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 28.140 người, kinh phí 69.127 triệu đồng; giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động (giảm 12 tháng) 1.278 đơn vị, với 19.286 lao động, tổng số tiền giảm đóng trên 11,6 tỷ đồng.

Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà ở thương mại, đầu tư xây dựng trường học công lập và là một trong những cổ đông của Bệnh viện Đa khoa cuộc sống, anh Phạm Văn Đạt, Giám đốc Công ty Cổ phần Thành Môn, cho rằng: Trong 2 năm qua, doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và tăng giá nguyên, vật liệu xây dựng là bởi Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố đã đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ cả vật chất, lẫn tinh thần để doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Hải Nam, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Mộc Châu, cho biết: Những khó khăn của các doanh nghiệp đã được chi hội tổng hợp đưa ra với Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh để đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc, đồng hành, sớm tháo gỡ. Cộng với sự nỗ lực, cố gắng của mình, doanh nghiệp trên địa bàn đang dần phục hồi và phát triển. Các doanh nghiệp du lịch, xây dựng đã quay trở lại, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh xem bản đồ quy hoạch các hạng mục công trình

trên địa bàn thị trấn huyện Sông Mã.

Ngoài hoạt động đối thoại, tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp với các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn triển khai thực hiện tốt các Quy chế phối hợp đã ký kết với Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh. Qua đó, nâng cao hiệu quả phối hợp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tổ chức ký kết Quy chế phối hợp công tác (giai đoạn 2022 - 2025) với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh...

Tạo đà để doanh nghiệp bứt phá, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền địa phương, với các sở, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

 

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới