Tích cực phòng, chống dịch bệnh mùa hè

Mùa hè thời tiết nắng, nóng, thất thường, dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Nhằm cung cấp thêm thông tin về các loại bệnh và cách phòng tránh dịch bệnh mùa hè, phóng viên Báo Sơn La đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Kim An, Giám đốc Sở Y tế. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh sốt rét.

PV: Xin đồng chí cho biết các bệnh thường phát sinh trong mùa hè?

Đ/C Nguyễn Thị Kim An: Mùa hè có khí hậu nóng ẩm, do đó các loài vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, nấm...) phát triển rất nhanh. Nắng, nóng cũng dễ gây tình trạng mất nước, suy giảm sức đề kháng của cơ thể, nhất là trẻ em, người già, những người mắc bệnh mạn tính... Ngoài ra, một số tập quán ăn, uống không hợp vệ sinh (thực phẩm chưa qua nấu chín), vệ sinh môi trường không tốt cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Các dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bùng phát trong mùa hè là: Sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, thủy đậu, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, viêm não Nhật Bản, dại, đau mắt đỏ...

PV: Ngành Y tế đã triển khai những biện pháp gì để hạn chế dịch bệnh? 

Đ/C Nguyễn Thị Kim An: Để hạn chế dịch bệnh trong mùa hè, ngành Y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hàng năm; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cơ sở y tế, các bệnh viện trên địa bàn thực hiện công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh. Đồng  thời, giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cán bộ trung tâm y tế các huyện và trạm y tế các xã, thị trấn những biện pháp phòng, chống dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè. Cùng với đó, tổ chức các chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ ở những vùng nguy cơ cao. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức về các dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát trong mùa hè, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh, kịp thời khai báo để có biện pháp phòng chống và điều trị bệnh. Tiến hành khoanh vùng, phát hiện sớm các điểm có nguy cơ cao, các điểm thường xuyên xảy ra dịch, chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống không để dịch bùng phát. Phối hợp chia sẻ thông tin giữa các ban, ngành, nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, từ đó có các biện pháp phòng chống kịp thời. Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tập huấn kiến thức cho các đối tượng tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm. Phối hợp với các đơn vị như Quản lý thị trường, Công an và các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm...

Bên cạnh đó, hằng năm, ngành chỉ đạo các đơn vị y tế phân công trực dịch 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu khi có dịch xảy ra; củng cố đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị y tế dự phòng trong cấp cứu sốc khi tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch tiêm vắc-xin bổ sung. Các bệnh viện củng cố khu điều trị cách ly tại khoa truyền nhiễm. Chỉ đạo tổ công tác xã hội của bệnh viện tăng cường nhân lực, bố trí bảo vệ để hướng dẫn người nhà, người bệnh tuân thủ các quy định về cách ly. Tổ chức trực (bác sĩ, điều dưỡng) độc lập tại khoa 24/24 giờ, không bố trí trực chung với các khoa khác. Riêng y tế tuyến xã, phường, nhân viên y tế bản, tiểu khu tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương và các hộ gia đình bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, nói chuyện trực tiếp... để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.

PV: Đồng chí có khuyến cáo gì về phòng bệnh mùa hè đối với người dân?

Đ/C Nguyễn Thị Kim An: Đối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo trẻ được tiêm đúng mũi, đủ liều. Không sử dụng những thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện ăn chín uống sôi, sinh hoạt sạch sẽ, hợp vệ sinh. Lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết để diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Đối với các cơ sở trông giữ trẻ, các trường mầm non cần lau sàn nhà và rửa đồ chơi hằng ngày bằng chất tẩy thông thường. Khi phát hiện trong cộng đồng có nhiều người cùng mắc một bệnh thì cần khai báo, thông tin ngay cho cán bộ y tế cơ sở.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

(Thực hiện)

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới