Tích cực chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Theo báo cáo nhanh ngày 3/6 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hồi 13 giờ ngày 03/6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Nam.

Dự báo vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 04/6, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam khoảng 240km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ vùng tâm bão.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau có khả năng mạnh lên thành bão, ở khu vực giữa Biển Đông có mưa dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông kèm lốc xoáy, gió giật mạnh. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 13,0 đến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 05/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ vĩ Bắc, 110,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ vùng tâm bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, ngày 02/6/2018, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 04/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công Thương đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trong 24h tới. Trước đó, ngày 01/6/2018, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 03/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công Thương đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp và gió mạnh trên biển.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã triển khai thực hiện các công điện, thông báo của Văn phòng thường trực và Ban Chỉ đạo; tổ chức thực hiện công tác kiểm đếm tầu thuyền và thường xuyên thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, tầu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định đã có công điện, công văn chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi, chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai.

Về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo số 180/BC-CQTT của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 06 giờ ngày 03/6/2018, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 53.098 tầu /256.925 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Trong đó: Hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa; Hoàng Sa và giữa biển Đông: 979 tầu/ 9.059 lao động (Bình Định 113 tầu/ 853 lao động; Quảng Ngãi: 355 tầu/ 3.503 lao động; Khánh Hòa: 46 tầu/ 369 lao động; Bình Thuận: 336 tầu/ 3.666 lao động; Ninh Thuận: 129 tầu/ 668 lao động). Hoạt động ven bờ, các vùng biển khác và neo đậu tại bến: 52.119 tầu/247.866 lao động.

Những công việc cần triển khai tiếp theo: Áp thấp nhiệt đới còn diễn biến phức tạp, cần tập trung theo dõi chặt chẽ trên các phương tiện thông tin để chủ động, thông báo, hướng dẫn kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tầu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Tiếp tục theo dõi, kiểm đếm tầu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tầu thuyền để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng cường thời lượng phát sóng, kịp thời đưa tin diễn biễn của áp thấp nhiệt đới. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Quảng Ngãi chỉ đạo các đài truyền hình địa phương tăng cường đưa tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về lũ, lũ quét, sạt lở đất và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó.

Thực hiện nghiêm túc theo nội dung chỉ đạo Công điện số 04/CĐ-TW ngày 02/6/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.

Về tình hình thiệt hại do thiên tai, theo báo cáo ngày 02/6/2018 của Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, khoảng 04 giờ ngày 02/06/2018 tại ấp Hưng Hòa, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân xảy ra sạt lở tuyến đê bờ Bắc rạch Cái Tắc, chiều dài khoảng 35 m, ngang khoảng 03 m (tiếp giáp mặt đường nhựa). Sạt lở đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến 01 nhà tạm và 01 băng chuyền lò sấy của dân. Nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa lớn kéo dài, đê không có cơ, hệ số mái taluy nhỏ (m<1.0), kết hợp thời điểm mực nước sông xuống thấp gây mất ổn định dẫn đến hiện tượng trượt mái đê gây sạt lở./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới