Thu hồi đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích:Cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị

Những năm qua, đất rừng trên địa bàn nhiều địa phương trong tỉnh thường xuyên bị xâm lấn, sử dụng sai mục đích, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý, bảo vệ rừng... Mặc dù, các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp triển khai để thu hồi đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích nhưng hiệu quả chưa cao.

Kiểm tra mô hình nông lâm kết hợp giữa trồng cà phê và rừng ở xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Trước thực trạng trên, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu với tỉnh, chỉ đạo lực lượng ngành phối hợp với các đơn vị xây dựng, triển khai đề án thu hồi đất lâm nghiệp và làm điểm tại huyện Mai Sơn...

Cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh, thời gian qua, Mai Sơn gặp không ít khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ diện tích đất rừng, nhất là việc xử lý, giải quyết với những diện tích đất rừng bị xâm lấn từ nhiều năm trước. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, huyện cũng đã thành lập nhiều đoàn công tác tuyên truyền, vận động, thậm chí triển khai nhiều biện pháp cứng rắn, nhưng diện tích đất rừng vẫn bị xâm lấn và khó thu hồi. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, thông tin: Diện tích đất rừng bị xâm lấn để trồng cây công nghiệp, nông nghiệp tại địa bàn huyện Mai Sơn khá nhiều. Đa phần các diện tích bị xâm lấn là diện tích tồn đọng từ các năm trước, người dân xâm lấn để sản xuất nên việc thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, vấn đề cần quan tâm là làm sao để người dân hiểu, đảm bảo được lợi ích cho dân; sau khi thu hồi phải quản lý hiệu quả diện tích đất đó. Do vậy, trước khi Chi cục triển khai xây dựng đề án và làm điểm tại Mai Sơn, đơn vị đã chủ động tham mưu với Chi cục, với huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn huyện phối hợp với lực lượng kiểm lâm xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa ra các giải pháp phù hợp trong việc thu hồi đất rừng bị xâm lấn trên địa bàn. Trong đó, tham mưu chọn xã Chiềng Ban làm điểm rút kinh nghiệm. Bởi đây là một trong những xã có nhiều diện tích đất rừng bị xâm lấn để trồng cà phê. Sau gần 1 năm làm công tác tuyên truyền, vận động, bàn các giải pháp, huyện đã đưa ra phương án sau khi thu hồi sẽ dùng diện tích đất đó triển khai mô hình nông lâm kết hợp. Hiện tại, Mai Sơn có gần 36.000 ha đất lâm nghiệp sử dụng chưa đúng mục đích, đã thu hồi được trên 20.000m2 đất  và chuyển đổi theo hướng nông lâm kết hợp. Do vậy, qua triển khai thí điểm tại xã Chiềng Ban và tới đây là triển khai ra toàn huyện để làm điểm cho cả tỉnh, thấy rằng cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, bởi vẫn còn không ít ngành vẫn chỉ coi đó là trách nhiệm của ngành kiểm lâm.

Trao đổi với ông Vũ Đức Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, được biết: Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh có 318.668 ha đất lâm nghiệp sử dụng chưa đúng mục đích. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chủ yếu được sử dụng trồng ngô, cà phê và các cây trồng nông nghiệp khác... Nguyên nhân dẫn tới tình trạng xâm lấn rừng, đất lâm nghiệp chủ yếu do nhu cầu về đất ở, đất sản xuất tăng cao. Đặc biệt, tại những vùng đồng bào dân tộc đời sống còn khó khăn, nhiều hộ vẫn đang sống phụ thuộc vào rừng. Do vậy, nhiều diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong thời gian dài nên việc thu hồi gặp rất nhiều khó khăn và sẽ ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân. Trước thực tế đó, Chi cục chọn Mai Sơn làm điểm, sau đó mới triển khai đồng loạt trên địa bàn tỉnh. Trước mắt cần phải tập trung vào chỉnh lý biến động đất đai, rà soát cụ thể để có phương án xử lý phù hợp...

Thu hồi đất lâm nghiệp đang sử dụng sai mục đích là việc làm quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, việc thu hồi đúng quy định và đảm bảo được tính an sinh là vấn đề cần được quan tâm giải quyết hợp lý. Cần hơn cả là sự vào cuộc thực sự và đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các cơ sở. Có như vậy, việc thu hồi đất lâm nghiệp đang sử dụng chưa đúng quy định mới có thể đạt được kết quả cao, góp phần tăng độ che phủ của rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng.

 

Ngọc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới