Tàu Ever Given cùng một tàu kéo di chuyển trên kênh đào Suez ngày 29/3. Ảnh: AFP 

Các nỗ lực giải cứu "siêu tàu" Ever Given chặn ngang kênh đào Suez của Ai Cập đã thành công sau gần một tuần con tàu này trở thành "chướng ngại vật" làm đình trệ mọi hoạt động đi lại của tàu bè trên tuyến đường chiếm 15% công suất vận tải biển của toàn thế giới, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng tỷ USD.

Tính đến ngày 3/4, tình trạng ùn tắc tại kênh đào Suez đã được giải tỏa. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trên kênh đào Suez gần một tuần qua đã cho thấy tính phụ thuộc và sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu. Theo báo New York Times, trong nửa thế kỷ qua, công suất trên các tàu hàng đã tăng khoảng 1.500%, tăng số hàng tiêu dùng và hạ giá thành khắp thế giới. Tuy nhiên, sự gia tăng quy mô đã tạo ra những " nút thắt cổ chai" tại các tuyến đường nhộn nhịp như kênh đào Suez.

Đặc biệt, sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez  đã nhắc nhở về những lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp. Theo kênh CNBC, vụ việc đã dẫn tới các phản ứng dây chuyền, gồm tắc nghẽn tại các cảng và ảnh hưởng đến lịch trình nhiều tàu. Quan trọng nhất, sự cố Ever Given càng gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng - vốn đã đối diện tình trạng thiếu thốn container giữa đại dịch COVID-19. Nhiều dây chuyền lắp ráp sẽ tạm thời rơi vào tình trạng nhàn rỗi vì các linh kiện không được chuyển đến như dự kiến.

Bên cạnh đó, sự cố Ever Given đã nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của những đoạn đường biển chiến lược hay các vị trí án ngữ trong vận tải biển quốc tế, đồng thời cho thấy nhu cầu cầu thảo luận về việc đa dạng hóa các tuyến đường biển chiến lược đang ngày càng trở nên cấp bách.

Chia sẻ vaccine để giúp chấm dứt đại dịch

Vaccine COVID-19. Ảnh: AFP. 

Ngày 28/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại và lên tiếng chỉ trích việc các nước giàu tích trữ vaccine phòng COVID-19. Ông đồng thời kêu gọi các nước này chia sẻ vaccine để giúp chấm dứt đại dịch. 

Người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ trích các nước giàu "tư lợi" khi xây dựng nguồn cung vaccine vượt quá nhu cầu của dân số nước mình. Ông cho biết hệ thống quốc tế viện trợ vaccine cho các nước nghèo (COVAX) đang gặp khó khăn vì có nhiều hoạt động tích trữ.Theo ông Guterres, việc chấm dứt đại dịch phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiêm chủng càng nhanh càng tốt cho người dân trên toàn thế giới. Ông kêu gọi ủng hộ cơ chế do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hỗ trợ để triển khai kế hoạch tiêm chủng toàn cầu.

Hiện các nỗ lực điều chế, sản xuất vaccine đang được đẩy mạnh trên quy mô toàn thế giới, tuy nhiên, sự phân bổ lại không đồng đều. Hãng thông tấn Pháp AFP cho biết, hiện có hơn 455 triệu liều vaccine đã được sử dụng để tiêm chủng tại 162 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều đáng nói là 56% lượng vaccine trong số đó đã được tiêm chủng tại các nước có thu nhập cao chỉ chiếm 16% dân số toàn cầu, trong khi chỉ có 0,1% được tiêm chủng tại 29 nước có thu nhập thấp nhất thế giới vốn chỉ chiếm 9% dân số thế giới.

Theo số liệu do worldometers.info công bố, tính đến sáng 4/4, thế giới có 131.327.878 ca nhiễm COVID-19, với 2.858.231 ca tử vong. Các con số này sẽ không được cải thiện cho tới khi nào việc phân bổ vaccine - công cụ hữu hiệu chống lại dịch bệnh, được thực hiện một cách phù hợp.

IMF lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ảnh minh họa. Nguồn: lesechos.fr 

Tổng Giám đốc Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang được cải thiện dù còn nhiều bất trắc sau dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Tổng Giám đốc Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hồi tháng 1/2021, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 5,5% trong năm nay, tuy nhiên, "giờ đây dự báo mức tăng trưởng sẽ cao hơn". Các yếu tố chính thúc đẩy việc cải thiện triển vọng trên là nhờ việc Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD và chương trình vaccine ngừa COVID-19 được triển khai ngày càng rộng rãi, nhất là ở các nền kinh tế lớn.

Tổng Giám đốc IMF cho biết các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nhờ các chính sách hỗ trợ tài chính và việc các ngân hàng trung ương "bơm lượng tiền mặt lớn vào lưu thông". 

Theo IMF, nhìn chung, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bị phủ bóng bởi "nhiều bất trắc" khi hoạt động kinh tế vẫn phụ thuộc vào tình hình đại dịch, tiến độ tiêm chủng và sự xuất hiện của các biến thể virus mới.

Chính quyền Mỹ nỗ lực bảo vệ cộng đồng người gốc Á

Cảnh sát New York được triển khai tới các địa điểm công cộng nhằm bảo vệ những người gốc Á. Ảnh: Wall Street Journal  

Theo Reuters, ngày 31/3 (theo giờ Việt Nam), Nhà Trắng đã công bố một loạt biện pháp ứng phó với tình trạng gia tăng bạo lực và phân biệt đối xử với người gốc Á ở Mỹ, trước hết là tài trợ bổ sung và triển khai các sáng kiến mới trong Bộ Tư pháp (DOJ) và Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) nhằm chống lại tình trạng này. Trong khi đó, Cơ quan Dân quyền sẽ tái thúc đẩy "Sáng kiến Thực thi và phòng ngừa tội ác hận thù", với trọng tâm là sự gia tăng đáng kể tội phạm căm thù đối với người gốc Á.

Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Biden cũng sẽ tái lập và mở rộng "Sáng kiến về người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương" (AAPI), với trọng tâm ban đầu là chống thành kiến và bạo lực đối với người gốc Á. Cục Điều tra Liên bang Mỹ sẽ lập một trang tương tác mới chứa các tài liệu liên quan đến việc chống lại cộng đồng người gốc Á và bắt đầu đào tạo các đặc vụ liên quan đến vấn đề thành kiến chống người gốc Á.

Hiện số các vụ tấn công thù hận nhằm vào người gốc Á tăng vọt tại Mỹ. Những vụ tấn công nói trên là nguyên nhân dẫn tới các cuộc tuần hành, biểu tình trên khắp nước Mỹ nhằm phản đối hành động bạo lực nhằm vào người gốc Á và yêu cầu chính quyền của Tổng thống J.Biden phải có hành động phản ứng ngay lập tức và mạnh mẽ hơn.

Facebook làm rò rỉ dữ liệu của 533 triệu người dùng

 Biểu tượng Facebook. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng tin AFP dẫn thông tin từ chuyên gia an ninh mạng và truyền thông quốc tế cho biết dữ liệu cá nhân của 533 triệu người dùng Facebook đã bị đăng tải trên một diễn đàn “tin tặc” trực tuyến. Các thông tin này có thể bị sử dụng trong các vụ lừa đảo, tấn công mạng hay tiếp thị.

AFP dẫn thông báo của chuyên gia Alon Gal, người đồng sáng lập Hudson Rock, một công ty tình báo tội phạm mạng có trụ sở tại Israel, nêu rõ: "Tất cả 533.000.000 hồ sơ Facebook vừa bị rò rỉ miễn phí... Tôi vẫn chưa thấy Facebook thừa nhận về sự bất cẩn tuyệt đối này về dữ liệu của các bạn". Theo ông Gal, dữ liệu bị rò rỉ bao gồm tên đăng nhập Facebook, số điện thoại, họ tên, vị trí, ngày sinh, địa chỉ email, thông tin tiểu sử và các thông tin khác. Ông nói: "Những kẻ xấu chắc chắn sẽ sử dụng những thông tin này để lừa đảo, tấn công mạng và tiếp thị". Theo chuyên gia này, dữ liệu bị rò rỉ đã được lưu hành trực tuyến từ tháng 1/2021. Vụ việc được cho là đã ảnh hưởng đến hơn 32 triệu người dùng ở Mỹ, gần 20 triệu người ở Pháp, 11,5 triệu người ở Vương quốc Anh và 10 triệu người ở Nga.

Về phần mình, người phát ngôn của Facebook Liz Bourgeois thừa nhận việc làm rò rỉ dữ liệu song giải thích: "Đây là dữ liệu cũ đã được báo cáo trước đó vào năm 2019. Chúng tôi đã phát hiện và khắc phục sự cố này vào tháng 8/2019"./.