Sự học ở vùng cao Nậm Lộng

Chúng tôi đã từng đến nhiều xã vùng cao, nơi có nhiều đồng bào Mông sinh sống, như Sốp Cộp, Sông Mã, Mộc Châu... để tìm hiểu về sự học của thầy và trò. Nhưng có lẽ, nơi mang lại cho chúng tôi những cảm xúc khó quên nhất chính là bản vùng cao Nậm Lộng, xã Hang Chú (Bắc Yên), với sự nỗ lực của những người miệt mài cõng con chữ lên non nơi đây.

 

Giờ tập thể dục của cô và trò Trường Mầm non Bình Minh điểm trường Nậm Lộng.

                 

Xuất phát từ trung tâm xã Hang Chú từ tờ mờ sáng, bởi để lên bản Nậm Lộng phải đi hơn 32 km đường rừng. Xuyên đám sương sớm mù mịt, vượt qua những con dốc đầy đất đá, gồ ghề, nhiều đoạn cua tay áo với một bên là núi đá dựng đứng, còn một bên là vực thẳm hun hút. Sau khoảng 4 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được điểm trường mầm non Nậm Lộng, nằm ở vị trí chênh vênh bên sườn núi, có điểm cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, mặc dù đang là giữa mùa hè, nhưng ở đây, gió lạnh thổi lồng lộng khiến đám trẻ co ro trong manh áo mỏng. Cô giáo Mùa Thị Say, nhà ở Phình Hồ, là bản ở gần trung tâm xã, cô xung phong vào đây dạy chữ đã mấy năm nay. Cô bảo: Lớp học có 30 cháu ở 3 độ tuổi, tuy đã được đầu tư xây dựng kiên cố, nhưng còn thiếu đồ chơi ngoài trời, chưa có sân chơi, đồ dùng học tập cũng chưa có, mỗi lần mưa gió thì đường đi và sân trường nhầy nhụa toàn bùn đất. Để khắc phục sự thiếu thốn đồ dùng học tập, giáo viên phải tự sáng tạo sưu tầm tranh, đồ chơi từ phế liệu. Cũng may mắn là việc vận động trẻ đến trường ở đây luôn được người dân ủng hộ, giúp đỡ, nhưng dân bản còn nghèo, một phần cũng do phong tục, tập quán nên người dân ở đây thường đi làm nương sớm, việc học hành hầu hết phó mặc cho giáo viên. Lo nhất là vào mùa đông, bọn trẻ chưa đủ quần áo ấm, thiếu giầy dép, thương học sinh, các thầy cô phải bỏ tiền túi hoặc vận động các nhà hảo tâm để mua cho các cháu.

                 

Sang thăm điểm trường tiểu học cách lớp mầm non không xa, đúng giờ học sinh đang ăn trưa. Nhìn bữa ăn của các cháu, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, chỉ có đĩa trứng chưng và bát nước sôi làm canh. Các thầy giáo bảo, bữa ăn như thế này là thường xuyên, việc mua được cân thịt, bó rau cho các cháu không dễ dàng, bởi con đường vào bản rất khó đi. Cũng do điểm trường xa trung tâm, nên phụ huynh tự nhận tiền bán trú và cử người mua thực phẩm, nấu ăn cho học sinh, hơn nữa họ nấu theo bữa ăn thường ngày của gia đình, có gì ăn nấy, vì thế mà bữa ăn của các cháu luôn trong tình trạng không đủ dinh dưỡng. Tìm hiểu được biết thêm, Nậm Lộng có 108 hộ, trong đó có 27 hộ hộ nghèo, tỷ lệ mù chữ trên 80%, dân bản sinh sống chủ yếu dựa vào hơn 400 ha cây sơn tra và vài chục ha lúa nương, nhưng chưa có đường thuận tiện nên bán cũng chẳng được giá. Việc học hành của các cháu gặp nhiều khó khăn về chỗ ở bán trú, bếp ăn, nhiều cháu còn không đủ mặc. Mặc dù năm học nào các cháu cũng ra lớp đầy đủ, không có cháu nào bỏ học, tuy nhiên, phần lớn học sinh ở đây chỉ học hết tiểu học rồi ở nhà làm nương hoặc lấy vợ, lấy chồng, cũng chính vì vậy mà tỷ lệ tảo hôn ở bản còn cao. Thầy giáo Mùa A Phềnh chia sẻ: “Điểm trường có 30 học sinh tiểu học, trong đó có 17 cháu ăn bán trú. Điều khó khăn trong dạy học ở đây là tỷ lệ mù chữ cao, do đó phụ huynh không có khả năng hướng dẫn con cái học hành, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều thứ; giáo viên chưa có chỗ ăn nghỉ ổn định, khu bếp nấu ăn và khu nhà ngủ của học sinh được người dân dựng tạm bằng gỗ đã nhiều năm nay, giờ đã xuống cấp xiêu vẹo, mưa thì dột, gió lùa tứ bề,  mỗi khi mùa đông hay mùa mưa đến thì trong nhà cũng như ngoài trời...”. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng những thầy giáo, cô giáo ở đây vẫn vượt qua mọi khó khăn, quên đi những bữa ăn còn kham khổ, bám trường, bám lớp để mang cái chữ đến với trẻ vùng cao. Học sinh luôn chăm ngoan, nghe lời thầy cô là vui lắm rồi, các thày cô luôn mong học sinh của mình không bỏ dở con đường học hành, mà theo học những bậc cao hơn để có thể đóng góp xây dựng quê hương mình.

                 

Một ngày ở Nậm Lộng, chúng tôi thấu hiểu sự vất vả của cô và trò nơi đây. Mong rằng trong một ngày không xa, con đường vào bản được cải tạo, nâng cấp, cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ, có như vậy việc “gieo chữ” sẽ hiệu quả hơn, đáp ứng niềm mong mỏi của bà con ở nơi vùng cao này.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới