Quan tâm sức khỏe tâm thần giới trẻ

Nhiều người dù khỏe mạnh về thể chất, nhưng lại gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, như: Tự kỷ, stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi... Tập trung chủ yếu ở đối tượng là trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi. Các bệnh lý này không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, thậm chí khiến người bệnh khó hòa nhập cộng đồng và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

 

Y, bác sỹ Bệnh viện Tâm thần tỉnh hướng dẫn bệnh nhân và gia đình người bệnh thực hiện test tâm lý đầu vào.

Em L.T.A, 18 tuổi, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, được bác sỹ kết luận mắc chứng rối loạn loạn thần cấp và nhất thời. Từng đi làm cho một số xưởng gia công tại khu công nghiệp Bắc Ninh, sau đó nghỉ việc về gia đình, do tiếp xúc với máy tính và các trò chơi điện tử dẫn đến nghiện game. Em có biểu hiện không muốn tiếp xúc với ai, không muốn đến những nơi đông người, thường xuyên bị ảo giác hoang tưởng, cười, nói một mình về các loại game. 

Chị B.T.T, mẹ em A cho biết: Ban đầu khi mới vào viện, cháu không chấp nhận việc mình có bệnh và bị kích động, dẫn đến gây gổ với bố mẹ và mọi người. Sau điều trị 10 ngày, cháu đã tỉnh táo, nhưng do hoàn cảnh gia đình, chúng tôi xin cho cháu ra viện sớm để điều trị ở nhà.

Em Đ.Q.L, 18 tuổi, tổ 7, phường Chiềng Sinh, Thành phố, nhập Bệnh viện Tâm thần tỉnh trong tình trạng mất ngủ, người mệt mỏi, buồn chán vô cớ, không tập trung trong học tập, luôn có cảm giác sợ bị người khác hãm hại. Bác sỹ chẩn đoán L bị trầm cảm nặng, với các triệu chứng loạn thần. Em được các bác sỹ điều trị triệu chứng và áp dụng các liệu pháp trị liệu tâm lý để có thể giao tiếp và hòa nhập với cộng đồng.

7 tháng đầu năm nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã khám và điều trị cho hơn 3.500 bệnh nhân, trong đó 438 bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm và hơn 3.100 bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần khác, như: Rối loạn tự kỷ, rối loạn hành vi, rối loạn lo âu, stress... Lứa tuổi từ 14 đến 30 chiếm 50% số ca bệnh. Nguyên nhân của những ca bệnh này chủ yếu là do áp lực việc học tập, thi cử, khiến các em rơi vào trạng thái căng thẳng, lo sợ, dần không kiểm soát được suy nghĩ của bản thân; do mâu thuẫn gia đình lâu ngày ảnh hưởng đến tâm lý; nghiện game, mạng xã hội hoặc sử dụng chất kích thích. Do không được phát hiện sớm hoặc gia đình chủ quan, khi đưa đến khám tại Bệnh viện đều đã ở mức khá nặng. Người bệnh gặp khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày hoặc không thể hòa nhập với xã hội, trở thành gánh nặng cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Nga, bác sỹ chuyên khoa I, Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần, cho biết: Bệnh viện đã thành lập đơn nguyên tâm lý lâm sàng, nhằm tư vấn và trị liệu tâm lý về sức khỏe tâm thần cho người bệnh. Khi chẩn đoán, can thiệp cho các trường hợp gặp vấn đề về tâm thần ở giới trẻ, chúng tôi thực hiện test tâm lý trước, sau đó, khám đánh giá hành vi và trạng thái của các em, để có phương pháp trị liệu tâm lý thích hợp với từng người bệnh.

Những trường hợp mắc các bệnh về tâm thần khi điều trị khỏi rất dễ tái phát khi gặp phải cú sốc trong cuộc sống, nhất là trẻ vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển về thể chất và tâm lý. Vì vậy, sự quan tâm, chia sẻ, theo dõi và giúp đỡ của người thân trong gia đình để người bệnh tuân thủ quy trình điều trị khi trở về nhà là rất quan trọng. Nhưng vẫn có phụ huynh có tâm lý e ngại, xấu hổ, sợ mang tiếng, không muốn người khác biết con mình mắc bệnh, nên việc phối hợp điều trị cho người bệnh khó khăn hơn.

Xây dựng lối sống lành mạnh, ăn, ngủ đúng giờ, suy nghĩ tích cực, sống có mục tiêu rõ ràng và tham gia các hoạt động thể dục, thể thao sẽ giúp mỗi người có tinh thần khỏe mạnh, phòng, tránh các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. Cùng với đó, khi các em có biểu hiện không bình thường về tâm lý, các bậc phụ huynh cần đưa đến các cơ sở y tế để can thiệp, trị liệu kịp thời.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới