Quan tâm công tác hòa giải trong giải quyết án tranh chấp dân sự

Xác định việc nâng cao chất lượng xét xử án tranh chấp dân sự là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện lộ trình cải cách tư pháp, Tòa án Nhân dân các cấp trong tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng dân chủ, công khai, đúng qui định pháp luật; Chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết giải quyết nhanh, dứt điểm, đúng pháp luật đối với những vụ án phức tạp, khiếu kiện kéo dài... góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

 

Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử vụ án tranh chấp dân sự .

Trong giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự, Tòa án Nhân dân các cấp đã khắc phục tình trạng để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; làm tốt công tác hòa giải, giải thích pháp luật để các đương sự tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết vụ án, giảm số vụ án phải đưa ra xét xử, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các đương sự và xã hội. Theo thống kê, từ ngày 1-1-2015 đến 31-3-2016, Tòa án Nhân dân hai cấp trong tỉnh đã thụ lý, giải quyết 399/517 vụ án tranh chấp dân sự với các nội dung: tranh chấp về quyền sở hữu; tranh chấp về hợp đồng dân sự; đòi bồi thường thiệt hại; tranh chấp thừa kế tài sản; tranh chấp về quyền sử dụng đất và các tranh chấp khác. Từ khi thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự (1-1-2012) đến nay, tỷ lệ các vụ án do Tòa án Nhân dân hai cấp của tỉnh hòa giải, giải thích pháp luật thành công nên không đưa ra xét xử đạt khá cao, năm 2015 và quý I năm 2016 đạt trên 79%, số vụ án phải đưa ra xét xử chỉ chiếm gần 21% tổng số vụ án. Cùng với đó, đội ngũ Thẩm phán được đào tạo, bồi dưỡng có kỹ năng hòa giải tốt; các quy định hiện hành của pháp luật cũng tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các đương sự tự nguyện thỏa thuận tránh hậu quả pháp lý bất lợi hơn trong trường hợp đưa vụ án ra xét xử.

Trao đổi với ông Lò Văn Điệt, Thẩm phán, Chánh tòa Dân sự, Tòa án Nhân dân tỉnh, được biết: Trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong quá trình đẩy mạnh hợp tác quốc tế hiện nay, số lượng các vụ án tranh chấp dân sự ngày càng tăng về số lượng và phức tạp hơn về tính chất. Theo thống kê, năm 2012 Tòa án hai cấp trong tỉnh thụ lý, giải quyết 186 vụ, việc; đến năm 2015 tăng lên 428 vụ, việc; gấp gần 2,3 lần. Điều đáng nói, trong số các vụ án tranh chấp dân sự thì các vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản; vay tài sản; quyền sử dụng đất; chuyển nhượng quyền sử dụng đất; quyền sở hữu tài sản... chiếm tỷ lệ cao. Các loại án này, quan hệ dân sự diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định xã hội, đặc biệt là quan hệ về đất đai, nếu không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng thì có thể dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp; hoặc quan hệ vay nợ nếu bản án không được thi hành có hiệu quả thì có thể dẫn đến hiện tượng thuê đòi nợ, gây mất trật tự an ninh địa bàn. Vì vậy, công tác hòa giải, giải thích pháp luật luôn được chú trọng, tổ chức đưa các vụ, việc xét xử nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật. Qua đó, đã hàn gắn các mối quan hệ xã hội, giáo dục công dân ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, góp phần cùng với lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.

Để nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các vụ án tranh chấp dân sự, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, thời gian tới, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân, Thẩm phán, cán bộ Tòa án. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, viên chức, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giám đốc, kiểm tra; tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tòa án, coi trọng, nâng cao chất lượng xét xử các vụ án tranh chấp dân sự và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần cùng với ngành Tòa án thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới