Quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng

Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền và các chủ rừng trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các cộng đồng có rừng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng tự nguyện tham gia xây dựng quy chế thôn, bản theo Kế hoạch 273/KH-UBND của UBND tỉnh để quản lý sử dụng tiền DVMTR đúng quy định, hiệu quả, công khai và minh bạch.

 

Lực lượng kiểm lâm và dân quân xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Lê Trọng Bình, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Đơn vị đã chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. 6 tháng đầu năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thu tiền DVMTR được trên 55,5 tỷ đồng; hoàn thành công tác xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR, phối với với các ngân hàng chi trả 218/220 tỷ đồng tổng số tiền chi trả đối với 38.618/40.635 chủ rừng, đạt 95% tổng số chủ rừng. Đồng thời, tăng cường đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện nghĩa vụ chi trả DVMTR theo quy định.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ chương triển khai rà soát, thu hồi, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết 92/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đặc biệt, công tác mở rộng nguồn thu được triển khai hiệu quả, Quỹ đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm, đã ký hợp đồng ủy thác với 1 cơ sở sản xuất thủy điện và 6 cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước, nâng tổng số hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR lên 66 hợp đồng.

Để bảo đảm công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả tiền DVMTR, thực hiện Kế hoạch 273/KH-UBND của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tổ chức 148 hội nghị tuyên truyền, xây dựng quy chế tại 146 xã trên địa bàn các huyện, thành phố, với trên 5.600 lượt người tham gia, qua các hội nghị đã có 619 bộ quy chế được ban hành, đạt 313% kế hoạch.

Bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu là 1 trong 10 mô hình xây dựng quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ MTR, bản đang quản lý 960 ha rừng, trung bình mỗi năm được chi trả từ 300-400 triệu đồng tiền dịch vụ MTR. Trưởng bản Vì Văn Hạnh cho biết: Trước đây việc sử dụng tiền dịch vụ MTR chủ yếu thực hiện theo quy ước, hương ước của bản, từ khi triển khai xây dựng và thực hiện quy chế, việc sử dụng tiền dịch vụ MTR đã bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả, nhiều công trình phục vụ đời sống và sản xuất của bản được xây dựng từ tiền dịch vụ MTR, tạo thêm sinh kế cho bà con, hiện 180 hộ ở bản không còn hộ nghèo.

Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học tổ chức tập huấn “Kỹ năng quản lý tài chính cho các mô hình quản lý rừng cộng đồng” cho cán bộ xã, ban quản lý các bản và phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện Dự án “Thúc đẩy quản lý hiệu quả các khu rừng cộng đồng, gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La”.

Ông Lê Trọng Bình, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết thêm: Hiện, đơn vị đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ Các-bon để thu hút, huy động nguồn tài chính từ tiềm năng, lợi thế của diện tích rừng hiện có trên địa bàn. Tham mưu huy động các nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tăng thu nội địa, nâng cao thu nhập và sinh kế của người trồng rừng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ rừng là cộng đồng tham gia xây dựng quy chế thôn, bản để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng tiền DVMTR, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trong công tác bảo vệ rừng. Tăng cường đôn đốc thu nộp tiền DVMTR, triển khai công tác kiểm tra, giám sát bên sử dựng và bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo kế hoạch và công tác xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR nguồn thu năm 2022, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu trên 228 tỷ đồng tiền DVMTR năm 2022.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới