Púng Bánh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung

Với lợi thế diện tích đất tự nhiên rộng, nhiều bãi cỏ, rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc, xã Púng Bánh (Sốp Cộp) đã tập trung vận động nhân dân mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả cao.

 

Nông dân bản Liềng, xã Púng Bánh (Sốp Cộp) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc đàn gia súc.

Đảng bộ xã Púng Bánh đã ra Nghị quyết chuyên đề phát triển đại gia súc, tập trung tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung nuôi nhốt, xây dựng chuồng trại,  xây dựng các mô hình chăn nuôi tự nguyện, khuyến khích nhân dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, cỏ chít làm thức ăn cho gia súc; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét, chủ động nhân giống chất lượng cao... toàn xã hiện có 2.586 con trâu, bò, 1.761 con ngựa, 459 con dê, 3.299 con lợn trên 3 tháng tuổi; trồng trên 30 ha cỏ. Các bản Liềng, Nà Liền, Lầu, Púng, Khá, Phải có số lượng đàn gia súc lớn nhất xã, nhiều hộ có thu nhập từ chăn nuôi đại gia súc trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Tòng Văn Phượng (bản Bánh) là một trong những người thu nhập trên 200 triệu đồng từ chăn nuôi gia súc, cho biết: Trước đây, chăn nuôi trâu, bò theo cách truyền thống, thả rông trên rừng. Được tuyên truyền, vận động khoanh vùng nuôi tập trung để giảm dịch bệnh, giảm số lượng trâu bò chết rét, giúp tăng đàn nhanh, ông đã đưa trâu bò về tập trung ở bãi cỏ rộng khoảng hơn 2.000 m2, đào rãnh, làm rào chắn bằng lưới thép, duy trì thường xuyên từ 40 đến 60 con; ông còn dựng 2 lán rộng gần 100 m2, làm chuồng rộng 30 m2 để trâu bò trú mưa, tránh rét cũng là thuận tiện cho việc tiêm phòng.

Còn anh Lò Văn Dung (bản Liềng) lại chọn hình thức nuôi gia súc nhốt chuồng vỗ béo gắn với trồng cỏ để tăng thu nhập. Anh Dung chia sẻ: Nuôi trâu, bò vỗ béo cho thu nhập cao hơn, gia súc có thể xuất chuồng chỉ sau 4 đến 5 tháng. Tôi trồng 2 ha cỏ voi, cỏ chít làm thức ăn; chú ý chăm sóc phòng dịch kỹ lưỡng nên trâu bò béo tốt. Mỗi năm, tôi bán 3 con trâu, 2 con bò, thu về hơn 100 triệu đồng.

Chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, còn giúp bà con phòng chống, kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn. Cán bộ thú y, khuyến nông xã dễ dàng theo dõi tình hình bệnh dịch ở các vùng, chủ động hướng dẫn bà con phương án phòng chống; tổ chức tiêm phòng đầy đủ định kỳ 3 tháng/lần. Từ đầu năm đến nay, xã đã tiêm gần 9.000 liều vắc xin (hơn 4.100 liều vắc xin tụ huyết trùng, hơn 4.200 liều lở mồm long móng, 700 liều tả lợn) và phun tiêu độc khử trùng cho 22 ha chuồng trại, bãi chăn thả với 110 lít hóa chất. Nhờ chăn nuôi tập trung, bà con còn tận dụng được chất thải làm nguồn phân bón cho cây trồng.

Bên cạnh đó, Púng Bánh đặc biệt chú ý tập trung vốn từ các chương trình, dự án, nguồn ngân sách tỉnh và nhận ủy thác cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các mô hình nuôi nhốt gia súc vỗ béo, truyền giống...; hỗ trợ xây dựng chuồng trại, đầu tư giống vật nuôi... Hiện, tổng dư nợ của hơn hơn 700 hộ vay chăn nuôi trên 21,6 tỷ đồng. Xã đang vận động các hộ góp vốn, liên kết thành các HTX chăn nuôi với quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Các bản Bánh, Púng đang chuẩn bị các điều kiện để thành lập HTX chăn nuôi gia súc.

Phát triển đàn gia súc tập trung gắn với trồng cỏ làm thức ăn là sự thay đổi tích cực về nhận thức của người dân về chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất hàng hóa. Thực tế, đời sống nhân dân xã Púng Bánh đang từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Thu Hằng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới