Phụ nữ với các phong trào bảo vệ môi trường

Những năm qua, hội phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh đã tích cực tham gia bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Bằng những việc làm cụ thể, như: Thường xuyên vệ sinh làng bản, khu dân cư; xây dựng lò xử lý rác thải hộ gia đình tự đốt; thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; hạn chế sử dụng túi ni lông; thực hiện tuyến đường phụ nữ tự quản...

 

Phụ nữ xã Chiềng Nơi (Mai Sơn) đưa chuồng nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn.

 

Để hội viên hiểu rõ thêm về trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ môi trường, hằng năm Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội phụ nữ các cấp tuyên truyền cho toàn thể hội viên nội dung của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; Nghị quyết số 324/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La... Riêng năm 2017, Hội đã phối hợp với TW Hội LHPN Việt Nam triển khai 2 đợt khảo sát về giới tại cộng đồng gắn với tập huấn thực hiện bộ công cụ giám sát về giới trong nước sạch, vệ sinh môi trường tại xã Chiềng Sơn và Mường Sang (Mộc Châu); tổ chức truyền thông cho cán bộ, hội viên phụ nữ xã Chiềng Mung và xã Nà Bó (Mai Sơn) về sử dụng nước sạch, cùng một số kiến thức cần thiết về nước sạch...

Điểm nhấn trong hoạt động tham gia bảo vệ môi trường của Hội LHPN tỉnh đó là, các cấp hội phụ nữ đã phát động sâu rộng phong trào “Phụ nữ Sơn La xây dựng nông thôn mới”, gắn với thực hiện 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Theo đó, mỗi cơ sở hội lựa chọn những phần việc và triển khai các hoạt động cụ thể để thực hiện, như các mô hình: “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, lò xử lý rác thải gia đình tự đốt, “Đoạn đường nở hoa”, thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Riêng mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày” đã nâng cao ý thức của hội viên tham gia bảo vệ môi trường qua việc cam kết không sử dụng túi ni lông đi chợ hằng ngày; sử dụng thùng phân loại rác thải tại gia đình; thu gom rác, phân súc vật để ủ, chôn. Các thành viên còn tận dụng diện tích đất trồng cây lá dong để gói thức ăn chín thay túi ni lông... Cùng với đó, phụ nữ các bản, tiểu khu thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường. Từ năm 2017 đến nay, đã có gần 70.000 lượt hội viên phụ nữ tham gia thu gom và xử lý hơn 54.000 m3 rác thải sinh hoạt; khơi thông trên 30.000 m2 cống rãnh thoát nước, phát dọn hơn 190.000 m2 xung quanh nhà ở, đường giao thông liên xã, nội bản; trồng mới 17.000 cây xanh các loại... Đồng thời, thành lập mới 25 mô hình “5 không, 3 sạch”, nâng tổng số hộ đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong toàn tỉnh lên gần 84.000 gia đình tại 10 huyện trong tỉnh. Điều ghi nhận là, tham gia mô hình, các hội viên có thêm kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách sắp xếp đồ dùng trong gia đình hợp lý, giữ gìn nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng; không nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà ở; được tạo điều kiện về kinh phí để xây dựng công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh... 

Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã gắn phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, các chương trình, mục tiêu về xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường bền vững. Ngoài khai thác nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình, dự án của trung ương, của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng trăm tỷ đồng cho hội viên đầu tư phát triển sản xuất, hội phụ nữ các cấp còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng cấp hướng dẫn hội viên sử dụng phân bón đúng cách, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, thực hiện tốt việc thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng về nơi quy định. Trong chăn nuôi, hội viên thực hiện không nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà ở; xây dựng hầm biôga để thu gom chất thải chăn nuôi và tạo chất đốt, vừa bảo vệ môi trường lại tiết kiệm được chi phí chăn nuôi...

Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình, các việc làm cụ thể hằng ngày trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất, Hội LHPN tỉnh thiết thực góp phần bảo vệ môi trường bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới