Phát triển du lịch bền vững lòng hồ Thủy điện Sơn La

Với mục tiêu nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch bền vững vùng lòng hồ thủy điện Sơn La gắn với bảo vệ sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, góp phần giảm nghèo cho cư dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

 

Cầu Pá Uôn - Điểm thu hút khách du lịch đến với Quỳnh Nhai.

 

Tháng 8/2016, trường Đại học Tây Bắc đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch bền vững vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”. Đề tài đã tiến hành nghiên cứu những thuận lợi, khó khăn và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trong việc phát triển du lịch bền vững của tỉnh Sơn La; khảo sát thực địa, đánh giá sự phát triển du lịch tại thủy điện Thác Bà (Yên Bái), thủy điện Hòa Bình, thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) và xây dựng 2 mô hình thực nghiệm du lịch bền vững tại bản Bon và bản Bó Ban (Quỳnh Nhai) để rút ra những bài học kinh nghiệm đối với việc phát triển du lịch bền vững vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, tháng 6/2018, đề tài được Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đánh giá đạt loại xuất sắc.

Để đưa ra những định hướng xây dựng bản du lịch ven hồ, nhóm thực hiện đề tài đã tìm hiểu một số bản của người Thái ở huyện Quỳnh Nhai, trong đó tập trung vào bản Bon thuộc xã Mường Chiên và bản Bó Ban thuộc xã Chiềng Bằng. Đây là những bản có các yếu tố văn hóa bản địa, như: diễn xướng dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống... điều kiện địa lý giao thông thuận lợi, điều kiện cảnh quan có rừng, hang động... rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch vùng lòng hồ. Nằm cách trung tâm huyện Quỳnh Nhai khoảng 45 km, bản Bon, xã Mường Chiên có diện tích tự nhiên 800 ha, 62 hộ, 200 nhân khẩu. Bản có những đặc điểm về địa lý, địa hình, khí hậu, thủy văn thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, bản nằm ven hồ, là điều kiện tốt để phát triển du lịch sông nước, tham quan các điểm du lịch bằng tàu thuyền, trải nghiệm làm ngư dân, nông dân (đánh bắt cá, nuôi cá lồng bè, cày cấy, gặt lúa...). Tuy nhiên, bản Bon hiện nay mới chỉ tập trung khai thác, đánh bắt cá, nuôi cá chứ chưa phát huy tiềm năng du lịch hiện có. Trên cơ sở đánh giá điều kiện và tiềm năng du lịch lòng hồ, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã xây dựng chương trình du lịch thử nghiệm nhằm giúp doanh nghiệp, cộng đồng áp dụng và xây dựng các chương trình du lịch cụ thể cho du khách, đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả hợp lý và mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng. Sau những chuyến khảo sát thực tế cùng HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai tại bản Bon, xã Mường Chiên, đề tài thiết kế mô hình cụ thể, gồm: Sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng tắm suối khoáng nóng tại bản Bon, từ đó khai thác tối ưu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn của bản để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Đồng thời, đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng các dịch vụ du lịch bổ sung cho sản phẩm chính làm tăng sự hài lòng và thỏa mãn của khách du lịch. Mặt khác các dịch vụ du lịch sẽ mang lại thêm nguồn thu nhập cho những người tham gia chuỗi cung ứng đạt được lợi ích về kinh tế. Sau khi thiết kế các mô hình tại bản Bon, xã Mường Chiên và bản Bó Ban, xã Chiềng Bằng, nhóm nghiên cứu phối hợp cùng HTX Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai tổ chức tập huấn về du lịch cộng đồng, bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống cho đoàn thanh niên, hội phụ nữ tại các bản. Sau tập huấn, nhóm đề tài tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn HTX Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai tiến hành truyền thông quảng bá về các tour du lịch với chi phí thấp để thu hút khách du lịch, hướng dẫn, rút kinh nghiệm cho bà con trực tiếp tham gia du lịch tại 2 bản.

Anh Là Văn Phong, Giám đốc HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, chia sẻ: HTX đã tạo được một mạng lưới thuyền du lịch lớn trên địa bàn huyện và trực tiếp quản lý 2 thuyền du lịch trọng tải từ 5-10 tấn; đào tạo 3 hướng dẫn viên năng động, nhiệt tình, chuyên nghiệp trong công việc. Cùng với đó, HTX đang nuôi 44 lồng cá lăng, trắm, chép, trê với hình thức hữu cơ, đảm bảo cá sạch, an toàn, tạo nguồn thực phẩm phục vụ du khách.

Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Yến, chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch bền vững vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” cho biết: Trên cơ sở đánh giá kết quả thực nghiệm và dựa vào quan điểm, mục tiêu phát triển, đề tài đã đề xuất các giải pháp chủ yếu: Sản phẩm du lịch bền vững, lựa chọn thị trường mục tiêu, thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, quảng bá xúc tiến du lịch có trọng tâm, tăng cường liên kết phát triển du lịch, phát triển nguồn lực và tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá một số kiến nghị đối với hệ thống quản lý Nhà nước cấp Trung ương, như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan để xây dựng và quản lý tốt mô hình du lịch bền vững vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Mô hình này để phát triển bền vững, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các thành phần tham gia và được vận hành theo một quy trình chặt chẽ theo tiếp cận thị trường.

Thành công của đề tài sẽ góp một phần xây dựng mô hình du lịch bền vững vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, mở ra một hướng kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới