Phát triển cây dược liệu gắn với du lịch cộng đồng

Tỉnh ta có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loài dược liệu phát triển, trong đó có nhiều loại cây quý và hiếm có giá trị kinh tế cao. Tỉnh cũng đã xác định phát triển dược liệu là hướng đi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại địa phương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Sơn La cần đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực này và phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển du lịch.

Mô hình trồng dược liệu của Công ty cổ phần Dược liệu Vân Hồ.

Bảo tồn phát triển dược liệu

Tỉnh Sơn La hiện có trên 1.000 loài cây dược liệu, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: Thảo quả, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, sa nhân, actiso, ý dĩ, hồi, quế, gấc, đinh lăng, ba kích... tập trung nhiều nhất ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn. Vấn đề bảo tồn và phát triển cây dược liệu bước đầu đã được các cấp chính quyền và các ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh ta đã dành riêng 250 tỷ đồng từ ngân sách tập trung phát triển 55 loài dược liệu quy mô lớn, giá trị kinh tế cao và bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây dược liệu dưới tán rừng. Tỉnh đã ban hành chủ trương triển khai nghiên cứu, khảo sát đầu tư cây dược liệu; phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thông qua nhiều nghị quyết về ban hành các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu.

Các sở, ngành cùng các địa phương trong tỉnh đã tập trung cùng với các nhà đầu tư phát triển dược liệu dưới tán rừng giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cao nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh; giảm thủ tục hành chính; cung cấp đủ lao động có chất lượng, phù hợp hoạt động đầu tư, hỗ trợ đào tạo lao động; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh trật tự khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Tại Mộc Châu, Vân Hồ, nơi có khí hậu mát mẻ, mùa hè nhiệt độ trung bình từ 19-25 độ C, nhiệt độ trung bình cả năm 18,5 độ C, độ ẩm trung bình 80%, lượng mưa bình quân 135 mm/tháng... là những điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây ôn đới, Á nhiệt đới. Cùng với đó, địa hình đồi núi, xen lẫn các phiêng bãi và cánh đồng hình thành nhiều vùng tiềm năng sản xuất rau hoa và cây dược liệu. Để phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định, lâu dài và mang hiệu quả kinh tế cao, năm 2017, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Xây dựng mô hình HTX trồng và sơ chế một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế tại tỉnh Sơn La theo hướng phát triển bền vững” đã được triển khai thực hiện. Dự án do Công ty cổ phần Dược liệu Vân Hồ chủ trì, Tiến sĩ Trần Thị Huế, Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), làm Chủ nhiệm. Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án đã xây dựng thành công mô hình, chuyển giao, tiếp nhận 3 quy trình công nghệ trồng, chăm sóc, sơ chế cây đương quy, giảo cổ lam... thành lập mới HTX Rau củ quả dược liệu Bống Hà tại huyện Vân Hồ và liên kết với HTX Dược liệu sạch Phương Ngân (Mộc Châu) để tiến hành trồng, sơ chế cây dược liệu.

Còn tại huyện Mường La cũng đã thông qua các chương trình, dự án. Toàn huyện có 140 ha sả Java, 160 ha thảo quả, 30 ha sa nhân, 2.229 ha sơn tra với sản lượng hàng nghìn tấn quả/năm. Trên địa bàn, ngày càng nhiều HTX tập trung phát triển cây dược liệu, như: HTX Tinh dầu dược liệu Mường La (xã Pi Toong); HTX Liên Sơn (xã Tạ Bú), HTX Hoàng Lâm (xã Hua Trai); HTX Thành Công (xã Ngọc Chiến)... Trong số những loại dược liệu phát huy hiệu quả phải kể đến mô hình trồng sả Java của HTX Tinh dầu dược liệu Mường La với quy mô 80 ha, trong đó 45 ha đã cho thu hoạch. Năng suất trung bình đạt 17,5 tấn/ha/năm, giá thu mua thời điểm hiện tại của HTX khoảng 1.800 - 2.000 đồng/kg, đạt 35 triệu đồng/ha/năm. Năm 2019, tổng doanh thu của HTX đạt trên 1,2 tỷ đồng, đem về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm “Tinh dầu sả Java Mường La” đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019; được trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Người dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La trưng bày sản phẩm thảo quả và sơn tra.

Bà Lò Thị Kim Thương, Giám đốc HTX Tinh dầu dược liệu Mường La, cho biết: Sả Java có vị đắng không ăn được, dùng làm nguyên liệu chiết suất tinh dầu và chủ yếu dùng trong công nghiệp dược phẩm hay dùng để sản xuất các sản phẩm làm đẹp. Cây sả có ưu điểm phát triển tốt trên đất dốc, dễ chăm sóc, không cần bón nhiều phân, sau khi trồng được 3-5 tháng có thể thu hoạch lần đầu. Sau đó, cứ 45 ngày thu hoạch một lần, thu hoạch từ 5-7 năm mới phải trồng lại. Trung bình mỗi ha thu được 17.5 tấn lá/năm, 1 tấn lá sả chiết xuất khoảng 8 kg tinh dầu thành phẩm. Hiện nay, HTX đang sản xuất tinh dầu dạng lọ có vòi xịt và lọ nắp đậy dùng cho đèn xông tinh dầu; sản phẩm của HTX đã và đang được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, từ nguồn vốn dành riêng chương trình phát triển cây dược liệu và nguồn vốn các chương trình đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sơn La đã dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đến cuối năm 2021, Sơn La có 14.388 ha cây dược liệu, sản lượng đạt 28.294 tấn. Nhờ áp dụng tổng thể các kỹ thuật thâm canh tiên tiến, cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến, cây dược liệu mang lại giá trị cao hơn so với canh tác các loại cây trồng truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích. Đời sống của người nông dân nhiều địa phương nhờ đó cũng được nâng cao.

...gắn với phát triển du lịch

Theo đánh giá của các chuyên gia, Sơn La có địa hình, khí hậu, thảm thực vật, cảnh quan thiên nhiên rất thích hợp cho du khách khám phá. Trong đó, các loại cây dược liệu và những mô hình phát triển dược liệu sẽ có tiềm năng thu hút du khách. Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, từ nguồn vốn dành riêng chương trình phát triển cây dược liệu và nguồn vốn các chương trình đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Đến cuối năm 2021, Sơn La có 14.388 ha cây dược liệu, sản lượng đạt 28.294 tấn. Nhờ áp dụng tổng thể các kỹ thuật thâm canh tiên tiến, cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến, cây dược liệu mang lại giá trị cao hơn so với canh tác các loại cây trồng truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích. Đời sống của người nông dân nhiều địa phương nhờ đó cũng được nâng cao.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp dược liệu bền vững gắn với du lịch cộng đồng

Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng làng nông nghiệp thông minh của Teshfest 2022, cho rằng: Một số mô hình nông nghiệp, dược liệu gắn với du lịch cho Sơn La, như có thể trồng và chế biến cam sinh thái, trồng dược liệu dưới tán cây gắn với du lịch trải nghiệm, trong đó tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm chế biến từ trái cam, sản phẩm chế biến từ dược liệu, tổ chức các hoạt động du lịch kết hợp trải nghiệm hái cam, học tập kỹ thuật canh tác cam sinh thái, cung cấp khép kín các sản phẩm nông dược phục vụ du lịch tại chỗ. Một mô hình khác là ứng dụng công nghệ chế biến chi phí thấp để sản xuất các sản phẩm, như: Dấm mơ, rượu vang mơ... kết hợp các tour tham quan trải nghiệm thu hái và chế biến mơ; ứng dụng các giải pháp số trong tiếp thị, truyền thông sản phẩm, ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành mô hình...

Để phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu và tiến tới đưa Sơn La trở thành vùng trọng điểm dược liệu, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để xử lý và chế biến nguyên liệu thô thành sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, thì tỉnh ta cần tiếp tục tạo những cơ chế chính sách trong việc phát triển trồng dược liệu tại các địa phương; thực hiện tốt vấn đề liên kết 4 nhà trong sản xuất; thực hiện quy hoạch gắn với thế mạnh của từng tiểu vùng khí hậu để trồng những loại cây dược liệu phù hợp và trở thành sản phẩm tốt cho du lịch, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Minh Thu - Duy Tùng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới