Phát huy vai trò của khu công nghiệp

Những năm qua, việc xây dựng và phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, tạo sức lan tỏa, tác động, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

                                       

Một góc Khu công nghiệp Mai Sơn.

             

Là khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh, Khu công nghiệp Mai Sơn tại xã Mường Bằng (Mai Sơn) có diện tích 150 ha được đầu tư phân kỳ thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I với quy mô 63,7 ha, kế hoạch hoàn thành trong năm 2020. Hiện, Khu công nghiệp Mai Sơn đã có 7 dự án đi vào hoạt động, các nhà máy đã sản xuất, cung ứng ra thị trường 65.918 tấn tinh bột sắn, sản xuất được 8,5 triệu viên gạch các loại, 171 tấn nhũ tương nhựa đường, 360 tấn than sinh học, 60.000 m² tấm gỗ ép, san chiết được 3.800 tấn gas, tạo công ăn việc làm cho 300 lao động địa phương; tổng giá trị sản xuất kinh doanh đạt 826,256 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 11,14 triệu USD, đóng góp vào ngân sách tỉnh 14,36 tỷ đồng. Trong giai đoạn II, khu công nghiệp sẽ mở rộng với quy mô diện tích 86,3 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 62,77 ha, hiện nay đã có nhà đầu tư đăng ký diện tích đất 50 ha và được tỉnh Sơn La nhất trí cho khảo sát, bổ sung quy hoạch.

             

Ca sản xuất của Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La (nằm trong Khu công nghiệp Mai Sơn).

             

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, việc mở rộng khu công nghiệp đã có và hình thành khu công nghiệp mới là cần thiết. Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 190/NQ-HĐND ngày 18/4/2020 thông qua “Đề án quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030”. Theo đó, sẽ mở rộng Khu công nghiệp Mai Sơn lên 312 ha và thành lập mới Khu công nghiệp Vân Hồ, quy mô 240 ha thuộc bản Thuông Cuông, xã Vân Hồ. Hiện, Khu công nghiệp Vân Hồ với quy mô 300 ha đã có Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Phú Hưng đề nghị được tỉnh Sơn La chấp thuận cho nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, nhà máy cung cấp nước sạch. Bên cạnh đó, định hướng phát triển đến năm 2030, huyện Mộc Châu sẽ phát triển thành thị xã Mộc Châu, việc bổ sung quy hoạch khu công nghiệp tại khu vực này sẽ góp phần đón đầu, phát huy tiềm năng, lợi thế về công nghiệp của vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

             

Một ca sản xuất của Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Thanh Nhung (nằm trong Khu công nghiệp Mai Sơn).

             

Đề án quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030 được kỳ vọng sẽ tạo ra hệ thống các khu công nghiệp của tỉnh có sức hấp dẫn, tính cạnh tranh cao, là điển hình trong cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh, sẽ tạo bước đột phá thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa của tỉnh Sơn La.

             

Đồng chí Bùi Văn Mẫn, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sơn La, cho biết: Hiện nay, phần diện tích đất công nghiệp còn lại của giai đoạn I Khu công nghiệp Mai Sơn còn 10,4 ha, đã có các nhà đầu tư đến khảo sát, dự kiến đầu tư các nhà máy về lĩnh vực: Chế biến rau quả xuất khẩu; sản xuất dược liệu; sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; ván gỗ công nghiệp xuất khẩu. Đối với các huyện Mộc Châu, Vân Hồ được xác định là vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh Sơn La. Hình thành khu công nghiệp tại đây, kết hợp với Khu công nghiệp Mai Sơn, sẽ tạo thành cụm các khu công nghiệp kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu là động lực để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và phụ trợ, công nghiệp chế biến, bảo quản rau củ quả, thực phẩm, dược phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường.

             

Việc mở rộng quy mô và phát triển thêm các khu công nghiệp mới dựa trên tiềm năng nguồn lao động địa phương dồi dào và vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng phong phú sẽ khơi dậy tiềm năng của tỉnh Sơn La, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới