Phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng nông thôn

Hợp phần ngân sách phát triển xã là một trong 4 hợp phần thuộc Dự án giảm nghèo giai đoạn II được triển khai ở 551 bản tại 39 xã thuộc 5 huyện trên địa bàn tỉnh.

Mương dẫn nước tại bản Suối Háo, xã Hồng Ngài (Bắc Yên) được đầu tư xây dựng từ Dự án giảm nghèo giai đoạn II.

 

Cùng với các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, tăng năng lực sản xuất nông nghiệp của người nghèo và phụ nữ dân tộc thiểu số, Dự án đã quan tâm đầu tư thực hiện các tiểu dự án xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn; tổ chức tốt việc duy trì các hoạt động bảo trì, vận hành thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình Nhà nước đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2010-2018, Dự án giảm nghèo giai đoạn II đã thực hiện 1.284 tiểu dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng quy mô nhỏ, với tổng mức đầu tư gần 230 tỷ đồng, chiếm 45% tổng số vốn đầu tư của cả hợp phần. Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 1.155 km đường giao thông nông thôn; 75 tiểu dự án thủy lợi, đảm bảo cung cấp nước sản xuất cho gần 330 ha lúa; 192 tiểu dự án nước sinh hoạt, phục vụ cho trên 9.000 hộ; 141 công trình cầu, cống, chiều dài gần 1.500 m; 30 nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình khác.

Điểm nổi bật là các công trình khi hoàn thành được bàn giao cho các tổ vận hành bảo trì của bản, các hộ được hưởng lợi trực tiếp quản lý, vận hành, bảo trì thường xuyên để phát huy hiệu quả sử dụng cao nhất. Hiện, đã thành lập 514 tổ vận hành bảo trì thực hiện quản lý, sử dụng các công trình, tiểu dự án đã được đầu tư xây dựng. Các bản lựa chọn những người có trách nhiệm, uy tín tham gia. Tổ vận hành, bảo trì xây dựng quy chế hoạt động riêng hoặc theo quy ước, hương ước của bản.

Công trình nước sinh hoạt ở bản Tòng, xã Chiềng Khừa (Mộc Châu) là một trong những công trình điển hình duy trì hoạt động hiệu quả sau đầu tư. Sau 6 năm, hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình được tổ điều hành bảo trì nước sạch duy trì quản lý, vận hành hiệu quả, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho cả các hộ phát sinh. Ông Hà Văn Xoan, Tổ trưởng Tổ điều hành bảo trì nước sạch bản Tòng, cho biết: Tổ có 3 thành viên, bản đã tổ chức họp bàn, thống nhất hàng tháng, trích 50% từ kinh phí thu dịch vụ cấp nước để sửa chữa, mua sắm các thiết bị dụng cụ thay thế và đầu tư đường ống nước dẫn đến các hộ mới tách và đều có quyết toán tài chính và công khai. Do đó, công trình nước của bản duy trì hoạt động và cung cấp nước cho 74 hộ trong bản, tăng 13 hộ so với thiết kế ban đầu.

Công trình thủy lợi bản Suối Háo, xã Hồng Ngài (Bắc Yên) được đầu tư xây dựng năm 2014, chiều dài tuyến kênh mương hơn 1 km. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình được giao cho cộng đồng bản quản lý. Ông Thào A Su, Trưởng bản chia sẻ: Công tác vận hành, bảo trì công trình thủy lợi duy trì hoạt động tốt là trách nhiệm chung của cả bản. Hàng năm, bản đều tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nạo vét kênh mương, vệ sinh đập đầu mối đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân và phục vụ sản xuất 5 ha lúa nước. Từ khi có công trình thủy lợi, một số hộ trong bản đã khai hoang thêm ruộng nước, sản xuất được 2 vụ, năng suất lúa cao hơn, bà con không còn lo thiếu lương thực nữa.

Thông qua đầu tư các tiểu dự án hạ tầng nông thôn đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng dự án. Sau đầu tư các công trình được bàn giao cho các tổ vận hành bảo trì của bản quản lý đã gắn liền quyền lợi với trách nhiệm, từng bước nâng cao ý thức của cá nhân, cộng đồng trong sử dụng các công trình công cộng. Qua đó, phát huy được tối đa công năng, kéo dài niên hạn sử dụng, góp phần chống thất thoát, lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới