Nông thôn mới Phổng Lái

Hơn 5 năm qua, cùng với tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, xã Phổng Lái (Thuận Châu) đã triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo sự thống nhất từ xã đến bản.

Hệ thống đường liên bản ở xã Phổng Lái (Thuận Châu) được bê tông hóa.

Xã Phổng Lái có 24 bản, trong đó, 5 bản TĐC thủy điện Sơn La. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, lao động, xã đã hình thành 3 vùng kinh tế. Trong đó, vùng cao tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, vùng giữa phát triển chăn nuôi kết hợp trồng cây công nghiệp, lương thực và vùng thấp thâm canh cây công nghiệp, trồng cây ăn quả, phát triển dịch vụ, thương mại. Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế là xã đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; vận động bà con đưa giống cây trồng, con nuôi có năng suất, chất lượng, gắn với tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, vận động bà con chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả, chủ yếu là diện tích lúa nương sang trồng cây công nghiệp, trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, toàn xã chỉ còn hơn 10 ha lúa nương, giảm hơn 90 ha so với năm 2016. Những năm gần đây, Phổng Lái đã tập trung sản xuất 2 loại cây công nghiệp chủ lực là chè và cà phê. Cùng với tích cực thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, diện tích chè, cà phê tiếp tục được mở rộng; toàn xã hiện có gần 520 ha chè, 201 ha cà phê. Năm 2016, thu nhập từ chè và cà phê đạt gần 200 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn xã có 1 doanh nghiệp chế biến, chè xuất khẩu sang Đài Loan và 2 cơ sở chế biến, bảo đảm bao tiêu hết sản phẩm chè búp tươi cho bà con.

Ngoài tập trung phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực, Phổng Lái đã mở rộng diện tích cây sơn tra và xây dựng các mô hình trồng sa nhân ở các bản vùng cao, như Mô Cổng, Nặm Giắt và Phiêng Luông. Đến nay, xã có 40 ha cây sơn tra, trong đó 20 ha cho thu hoạch, bình quân 50 tấn/ha/năm và hơn 40 ha cây sa nhân, thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm, qua đó đã mở ra hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển sản xuất, gắn với bảo vệ, phát triển rừng ở những bản vùng cao.
Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 3/2016, Phổng Lái đã đạt 15/19 tiêu chí và phấn đấu đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017. Hiện nay, 100% số bản đã có đường ô tô, trong đó, 22 bản có đường ô tô đi được 4 mùa, 18 bản có điện lưới quốc gia, 4 bản còn lại đã có dự án cấp điện trong năm 2017. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân các bản đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, vật liệu thực hiện bê tông hóa đường liên bản, nội bản và xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Năm 2015, Chi cục Thủy lợi thực hiện thí điểm mô hình quản lý tưới tiết kiệm nước hồ Lái Bay, tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng, trong đó, Nhà nước đầu tư hơn 500 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 400 triệu đồng. Công trình hoàn thành đã cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân và chủ động nước tưới ẩm cho 240 ha cây công nghiệp và hàng chục ha hoa màu, nhiều hộ gia đình đã đầu tư hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí thuê lao động và xăng dầu.

Nông dân bản Kiến Xương, xã Phổng Lái (Thuận Châu) chăm bón chè.

Ông Sùng A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, UBND xã đã phân tích, đánh giá khả năng hoàn thành xã nông thôn mới trong năm 2017 để chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân thực hiện các tiêu chí còn lại. Trong đó, chú ý đến tiêu chí về môi trường, đây là tiêu chí khó thực hiện nhất trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường huy động các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống và sản xuất. Mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi đại gia súc, canh tác chè, cà phê, cây ăn quả chất lượng cao và các loại cây dược liệu, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8% và đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới