Nông dân Quỳnh Nhai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Khai thác lợi thế của địa phương, người dân huyện Quỳnh Nhai đã phá thế độc canh cây lúa chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Thực tiễn, đã xuất hiện nhiều điển hình, như: Nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ở Chiềng Bằng, Chiềng Ơn; trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc ở Chiềng Khay, Chiềng Khoang; trồng cây bí đao ở Chiềng Khoang; trồng cây dược liệu dưới tán rừng, kết hợp chăn nuôi gia súc ở Mường Giàng...

Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, nông dân vùng quê sông Đà, huyện Quỳnh Nhai đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân.

Nông dân Quỳnh Nhai khai thác mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng.

Chiềng Bằng trước đây được coi là vựa lúa của huyện Quỳnh Nhai, nhưng khi Nhà máy thủy điện Sơn La tích nước, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất của người dân. Năm 2010, từ mô hình điểm của huyện về nuôi cá lồng, người dân nơi đây đã tìm được hướng đi mới, khai thác mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng, đã giải quyết được bài toán về đất sản xuất nông nghiệp. Đến nay, xã có 3.700 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 350 tấn. Cùng với nuôi cá lồng, người dân còn nuôi gần 3.000 con bò, 735 con trâu, 1.285 con dê; hơn 200 ha cây ăn quả; thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,41%.

Nhận thấy hiệu quả từ nuôi cá lồng, ông Lò Văn Khặn, bản Bung Én, xã Chiềng Bằng đầu tư gần 100 triệu đồng làm 6 lồng cá, đến nay, gia đình ông đã có 110 lồng cá. Ông Khặn cho biết: Gia đình tôi nuôi cá theo phương thức bán công nghiệp kết hợp nguồn thức ăn có sẵn ở địa phương, nên chất lượng cá thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Vụ cá năm 2021, gia đình thu lãi gần 700 triệu đồng.

Sản phẩm cá tép dầu là sản phẩm OCOP tiêu biểu của Quỳnh Nhai.

Ông Khặn đã vận động 18 hộ trong bản thành lập HTX thủy sản Chiềng Bằng. Đến nay, HTX đã tăng lên 46 thành viên, với 962 lồng cá; thu nhập bình quân của thành viên đạt 5 triệu đồng/tháng. Thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất, nhiều năm liền, ông Khặn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh; năm 2017 đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích tiêu biểu trong phát triển kinh tế.

Từ nuôi cá lồng điểm ở Chiềng Bằng, đến nay, các hộ dân ở 7 xã dọc sông Đà đã đến học hỏi và làm theo. Hiện nay, toàn huyện có gần 7.000 lồng cá; sản lượng hằng năm đạt trên 3 nghìn tấn. Các hộ đã liên kết với nhau thành lập các HTX, toàn huyện đã có 47 HTX thủy sản; năm 2019, có 10 HTX và 1 doanh nghiệp trên địa bàn được trao giấy chứng nhận thương hiệu “Cá Sông Đà” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp phép.

Không những vậy, Quỳnh Nhai còn vận động nhân dân đưa cây ăn quả lên đất dốc. Toàn huyện hiện có 1.850 ha cây ăn quả, trên 1.000 ha cây công nghiệp. Trước đây, thu nhập của người dân ở Chiềng Khay chủ yếu từ ngô, sắn, lúa nương. Qua thời gian, đất bạc màu, giống cây trồng đã cũ nên hiệu quả kinh tế không cao. Bứt phá để thoát nghèo, người dân trong xã đã chuyển đổi diện tích cây trồng hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca, cây ăn quả và kết hợp chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập cao. Điển hình là mô hình chăn nuôi gia súc trồng gắn với cây ăn quả, trồng bí đao của ông Lò Xuân Hồ, bản Phiêng Bay, cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm; ông Lò Mạnh Sáng, bản Có Luông, nuôi ong, trồng cây ăn quả và đầu tư máy xúc, thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Nông dân Quỳnh Nhai trao đổi kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc.

Ông Tẩn Văn Pặp, bản Phiêng Bay, cho biết: Thực hiện chủ trương của huyện, gia đình tôi đã chuyển một số diện tích đất trồng sắn kém năng suất sang trồng 4ha thông, 2,5ha mắc ca, 1 ha cây quế, 1 ha xoài; nuôi 25 con trâu, bò. Đồng thời, đầu tư một máy xúc để xúc đất thuê cho bà con dân bản... nhờ vậy, thu nhập bình quân gia đình đạt 500 triệu đồng/năm.

Những mô hình kinh tế hiệu quả của nông dân Quỳnh Nhai có sự đồng hành của Hội Nông dân huyện, là cơ quan đã đứng ra nhận ủy thác với các tổ chức tín dụng trên địa bàn cho 2.226 hộ vay với tổng dư nợ hơn 100 tỷ đồng; tiếp nhận và quản lý hiệu quả trên 5 tỷ 700 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Ông Bùi Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, nói: Các mô hình kinh tế của nông dân huyện Quỳnh Nhai, đã lựa chọn được 57 danh mục sản phẩm tiêu biểu tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP". Hiện nay, sản phẩm trà cỏ ngọt, mật ong Chiềng Khay đạt tiêu chuẩn 3 sao; cá tép dầu đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Nông dân Quỳnh Nhai thu hoạch quả mắc ca.

Tiếp tục đồng hành cùng nông dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, huyện Quỳnh Nhai chỉ đạo các các cơ quan chuyên môn, các xã, đoàn thể tập trung hướng dẫn bà con xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và các hoạt động trợ giúp nông dân phát triển kinh tế. Đồng thời, hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, nông dân Quỳnh Nhai đang góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới