Những “Robinson” làm giàu trên lòng hồ thủy điện

Trong không khí của những ngày đầu năm mới 2019, chúng tôi đến lòng hồ thủy điện Sơn La thuộc địa bàn huyện Quỳnh Nhai, không chỉ cảm nhận được cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi non, sông nước mà còn được nghe kể về câu chuyện của những “Robinson” khởi nghiệp làm giàu trên lòng hồ rộng mênh mông.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại huyện Quỳnh Nhai.

Ngược thời gian cách đây hơn 1 thập kỷ, thời kỳ di chuyển dân ra khỏi vùng ngập với khối lượng công việc cao như núi, khó trăm bề... Huyện Quỳnh Nhai lúc đó đã phải tuyên truyền, vận động di chuyển 8.500 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La. Trong đó, hơn 3.700 hộ chuyển đến các huyện trong tỉnh, số còn lại sắp xếp, tái định cư, xen ghép trong huyện. Đặc biệt, là khi tích nước lòng hồ thủy điện, nhiều diện tích đất sản xuất “ngủ yên” dưới lòng hồ hình thành cả một vùng lòng hồ rộng hơn 10.500 ha với nhiều hòn đảo lớn nhỏ xen kẽ, đây vừa là những thách thức, vừa mở ra cơ hội giúp để người dân chuyển đổi sản xuất. Thật mừng, khi cùng với những chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính là sự tiên phong, đi đầu của những người dân nơi đây với những câu chuyện được ví như những “Robinson” đến khám phá, phát huy thế mạnh của vùng lòng hồ.

“Robinson” đầu tiên chúng tôi gặp là một người nông dân đích thực, anh là Lừ Văn Tuyên, Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại Thương Tuyên. Đây là một trong những HXT đi đầu trong việc nuôi cá lồng trên lòng hồ và phát triển các loại cây ăn quả chất lượng cao ở các đảo trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Đến những đảo nổi, chúng tôi được nghe và thật sự cảm phục sự cần cù, dám nghĩ, dám làm của chàng trai trẻ. Anh cho biết: Trước đây, HTX  tập trung sản xuất vật liệu xây dựng, năm 2015, nhận thấy lòng hồ thủy điện Sơn La với nguồn nước phong phú, là tiềm năng, lợi thế cho nghề nuôi cá lồng, nên đã vận động các thành viên HTX chuyển đổi ngành nghề sang nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Hiện nay, HTX  duy trì hơn 50 lồng cá, đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, HTX cũng đầu tư phương tiện vận tải, bể chứa và hệ thống sục khí để vận chuyển cá đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, giải quyết tốt đầu ra sản phẩm của HTX và các HTX khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, được huyện tạo điều kiện, từ năm 2017 đến nay, HTX được giao 4 hòn đảo nổi trên lòng hồ với diện tích hơn 12 ha để đầu tư trồng hơn 10 ha các loại cây ăn quả, như: táo, nhãn, na Thái Lan và chăn nuôi đại gia súc theo hướng nhốt chuồng, hứa hẹn trong vài năm tới sẽ mang lại thu nhập đáng kể cho HTX.

Nằm giữa lòng hồ, đảo Trái Tim xinh đẹp nơi đặt “đại bản doanh” của HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai với những chàng trai thế hệ “9x” khởi nghiệp từ dịch vụ du lịch lòng hồ, đi dưới những tán cây, chúng tôi lựa chọn cho mình những điểm “check in” chụp ảnh rất đẹp, phóng tầm mắt ngắm nhìn cả một vùng lòng hồ trong xanh, thơ mộng, được thưởng thức các món ăn ẩm thực dân tộc Thái và các món ăn chế biến từ cá Sông Đà... Đến đây, chúng tôi dường như quên đi tất cả những bộn bề của cuộc sống, công việc và có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản đến lạ kỳ. Anh Là Văn Phong, Giám đốc HTX chia sẻ: Chúng tôi tập trung đầu tư vào du lịch khám phá, trải nghiệm lòng hồ thủy điện. Ngoài nuôi cá lồng vừa làm thực phẩm phục vụ du khách, chúng tôi đóng 3 thuyền để phục vụ du khách khám phá lòng hồ. Đặc biệt, được sự tạo điều kiện của huyện, hiện nay HTX đang tập trung đầu tư xây dựng các điểm tham quan một số đảo nổi trên lòng hồ, biến những hòn đảo hoang sơ, xinh đẹp trở thành điểm đến thu hút du khách với mong muốn lớn nhất là ngày càng có nhiều người biết đến vùng quê sông nước Quỳnh Nhai cũng như nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX. Hiện nay, trung bình hằng tháng HTX đón khoảng 1.000 du khách trong và ngoài tỉnh đến khám phá, trải nghiệm tại lòng hồ thủy điện.

Được biết, đây chỉ là hai trong rất nhiều những “Robinson”  khởi nghiệp làm giàu trên lòng hồ thủy điện trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, bởi hiện nay, toàn huyện có hơn 1.600 hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp; trong đó có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với lòng hồ thủy điện như: nuôi cá lồng, vịt trời, chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, đóng thuyền... Bởi vậy, khi mang câu chuyện này chia sẻ với đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Bí thư huyện ủy, chúng tôi được thông tin thêm: Đảng bộ, chính quyền huyện Quỳnh Nhai đã cụ thể hóa bằng những giải pháp cụ thể mang tính bền vững, lâu dài cho người nông dân. Trong đó, tập trung hỗ trợ người dân nuôi cá lồng, trồng cây ăn quả trên đất dốc, phát triển du lịch lòng hồ... Hiện nay, Quỳnh Nhai có 46 HTX thủy sản, trong đó phần lớn là của nông dân, tham gia nuôi hơn 6.800 lồng cá, đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai còn xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp với những loại hình xen ghép như: nuôi ong, trồng vải, nhãn, chanh, cam và cây ăn quả khác, đến nay toàn huyện có hơn 1.000 ha cây ăn quả...

Chia tay Quỳnh Nhai, câu chuyện về những “Robinson” với nghị lực, tinh thần dám nghĩ, dám làm đã vươn lên làm giàu nơi lòng hồ mênh mông vẫn còn in đậm trong tâm chí. Chính các anh là những người tiên phong phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, cụ thể hóa những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương biến một vùng đất cách đây không lâu còn khó khăn bộn bề trong sắp xếp dân cư, di dân lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành những phát triển khởi sắc đáng khâm phục.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới