Những người ươm mầm xanh vùng cao

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi lại có dịp về bản vùng cao Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp). Mất gần 1 tiếng đồng hồ vượt 25 km đường rừng, qua 6 con suối lớn, nhỏ và nhiều đoạn dốc dựng đứng. Hua Lạnh có 59 hộ đồng bào Mông nằm rải rác bên các sườn núi.

Giờ học của thầy và trò điểm trường Hua Lạnh, Trường Tiểu học Nậm Lạnh (Sốp Cộp).

Chúng tôi cùng thầy giáo Lường Văn Quyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Lạnh đi một vòng quanh điểm trường, hiện chỉ có lớp học mầm non là được xây dựng kiên cố, còn lại 4 lớp tiểu học vẫn là nhà tạm. Thầy giáo Quyết bảo, điểm trường này có 46 học sinh mầm non, 56 học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4. Giáo viên là những người tự nguyện xung phong lên dạy ở bản vùng cao này. Khi chúng tôi xuất hiện, các cháu nhỏ khoanh tay lễ phép đồng thanh: “Chúng cháu chào bác ạ”. Nhận thấy vẻ bất ngờ trong chúng tôi, bà Hà Thị Sùng có cháu đang học tiểu học ở đây, nói ngay: “Ở nhà cháu tôi cũng vậy, có khách đến nhà đều chào đấy. Cô giáo dạy mà”. Thầy giáo Cầm Ngọc Thảo, giáo viên tiểu học mới vào dạy, chia sẻ: Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, không có điện, sóng điện thoại cũng không, đường sá thì gập ghềnh khó đi, nên anh em chúng tôi cuối tuần mới về thăm nhà một lần, nếu mưa thì cả tháng mới về. Đường đến trường vất vả, nhất là vào mùa đông, mùa mưa, gió lồng lộng như muốn thổi bay mọi thứ. Mỗi người sắm một chiếc đèn pin sạc sẵn ở nhà mang lên dùng để tối soạn bài.

Vui vì các cháu ngoan, càng thương hơn bởi lớp tiểu học vẫn đang mượn nhà văn hóa để học, bàn ghế cũng tạm bợ; điện không có nên ảnh hưởng nhiều đến việc học và làm bài; địa hình phức tạp, bố trí các lớp không thể tập trung cũng gây khó khăn trong dạy học và quản lý học sinh. Việc vận động trẻ đến trường ở đây thực sự là trở ngại, do người dân ở đây thường đi làm nương, nhà đông con không có người trông trẻ, đồng bào thường cứ để cháu lớn ở nhà trông em, thế nên muốn gặp họ để vận động thì phải đợi tới đêm. Người dân còn nghèo, mùa đông con cái chưa đủ quần áo ấm, thiếu giầy dép, thương học sinh, các thầy cô phải bỏ tiền túi mua cho các cháu. Mỗi khi trời mưa, đường khó đi, học sinh không qua được suối để đến lớp, giáo viên lại cử nhau đến từng nhà đón học sinh đến lớp. Việc bất đồng ngôn ngữ cũng khiến việc truyền đạt của giáo viên và tiếp thu của trẻ trở nên rất khó khăn. Do không có điện, cứ tan học, ăn cơm xong là các cháu đi ngủ, không học hành gì thêm, bố mẹ đi làm nương về cũng chẳng còn sức và thời gian xem việc học của trẻ như thế nào, vậy là cứ sau bữa tối, các thầy cô giáo lại chia nhau đến từng nhà vận động gia đình cho các cháu học, kiểm tra làm bài xong mới đi ngủ. Lúc đầu, nhiều gia đình không nghe, nhưng dần dần họ đồng thuận theo cách làm của giáo viên, vì thấy hiệu quả rõ rệt. Giờ đây, trẻ mầm non hay tiểu học đều đến lớp đầy đủ, rất lễ phép, nói, đọc và viết tiếng phổ thông chuẩn hơn.

Đi cùng cô giáo mầm non Tòng Thị Hà vào bản, trước khi ngồi lên xe máy, cô bảo: “Mình cứ túc tắc đi nhà báo nhỉ”. Vậy mà vừa dứt lời, cô giáo đã khuất dạng sau đám cây rừng, khiến chúng tôi không thể đuổi kịp. Cũng dễ hiểu thôi, khi cô nói với chúng tôi: “Nhà ở tận trung tâm xã, sáng nào cũng xuất phát lên trường từ 5h, nếu hôm nào đi từ chiều hôm trước thì 8h tối đến nơi. Ban đầu đi đêm một mình sợ lắm, vì toàn đường rừng cheo leo, vắt vẻo trên núi, nhưng giờ quen rồi. Ngày đầu mới lên, lúc đứng lớp được nghe tiếng trẻ học bài, vui đùa ngoài sân trường còn thấy vui, nhưng khi màn đêm buông xuống, vắng tiếng trẻ, bóng tối bao trùm cả bản, buồn và nhớ nhà lắm”. Trò chuyện với cô về Ngày Nhà giáo 20/11, cô Hà chia sẻ: Dịp đó, giáo viên vùng cao này cũng có nhiều quà lắm, đó là rau, quả dưa, bí đỏ, có nhà còn làm cả bánh dày để biếu thầy cô giáo. Quý lắm nhà báo ạ! Song, món quà ý nghĩa nhất là học sinh biết thêm cái chữ, nói được tiếng phổ thông, lễ phép, biết nghe lời cha mẹ, thầy cô giáo...

Thấu hiểu những vất vả, khó khăn của giáo viên vùng cao. Họ chưa một lần đòi hỏi, chưa một lần so sánh. Với họ, việc ươm những mầm xanh là việc làm quan trọng hơn cả. Được dân bản quý mến, học trò biết cái chữ và đến lớp đầy đủ, tin yêu thầy cô giáo là hạnh phúc vô bờ. Và như thế, Hua Lạnh đã ấm hơn trong những ngày đông.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới