Những người lính giữ rừng trên đỉnh Sam Síp

Những ngày đầu xuân mới Canh Tý, chúng tôi về Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La gặp những người lính kiểm lâm, nghe họ kể về công việc ngày đêm bám rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ màu xanh cho những cánh rừng.

Lực lượng Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuần tra bảo vệ rừng.

 

rong cái giá lạnh ngày đầu xuân, dãy nhà cấp 4 của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La nằm trên đỉnh Sam Síp, nơi giáp ranh giữa xã Nặm Păm và Ngọc Chiến chìm trong làn sương mù dày đặc. Sam Síp, tiếng đồng bào Thái có nghĩa là dốc 30 tầng, quả đúng như vậy, từ chân lên đến đỉnh Sam Síp dốc dựng ngược và phải vượt qua hàng chục khúc cua gấp. Ngày tết, anh em trong Ban quản lý Khu bảo tồn thay nhau trực để ai cũng được về đón xuân cùng gia đình.

Nằm ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, nhiệt độ ở đỉnh Sam Síp luôn thấp hơn dưới khu vực thị trấn Ít Ong từ 5 đến 100C. Anh Hoàng Trọng Thắng, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn bảo: Vào mùa đông, sương mù lọt qua khe cửa vào trong phòng, chăn màn lúc nào cũng ẩm, có những ngày nhiệt độ xuống dưới 00C, sáng ngủ dậy băng giá phủ trắng trên mái nhà, quần áo giặt treo cả tuần cũng không khô. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng những người lính giữ rừng trên đỉnh Sam Síp luôn sẵn sàng, chỉ cần nhận được tin báo của bà con phát hiện đối tượng chặt phá rừng, hay săn bắt động vật hoang dã là anh em lập tức lên đường.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La có vai trò hết sức quan trọng trong hệ sinh thái, không chỉ riêng của tỉnh mà còn của cả nước và quốc tế. Với tổng diện tích hơn 15.800 ha, nằm trên địa bàn 3 xã (Ngọc Chiến, Nặm Păm và Hua Trai), Khu bảo tồn được các nhà chuyên môn đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Nơi đây đang nắm giữ một hệ sinh thái hết sức quan trọng, thu hút sự chú ý không chỉ cấp quốc gia. Toàn bộ diện tích trong Khu bảo tồn nằm trong quy định bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại, khai thác lâm sản và săn bắn động vật hoang dã. Trong Khu bảo tồn hiện còn một số thực vật quý hiếm, như các loài gù hương, dổi, pơ mu, thông đỏ, bách xanh, sâm, giảo cổ lam... và một số động vật nằm trong sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đặc biệt, trong Khu bảo tồn đã ghi nhận sự xuất hiện của gần 100 cá thể vượn đen tuyền, loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ còn ở Việt Nam và Trung Quốc.

Chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, anh Hoàng Trọng Thắng nói: Với tầm quan trọng như vậy, tháng 3/2016, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Đồng thời, bố trí lực lượng gồm 20 cán bộ kiểm lâm có nhiệm vụ phối hợp với các tổ bảo vệ rừng thuộc Tổ chức bảo tồn động, thực vật quốc tế (FFI) để tuần tra bảo vệ, giám sát đa dạng sinh học, nghiên cứu, bổ sung các loài động, thực vật hoang dã để bảo tồn nguồn gen.

Câu chuyện về những cuộc tuần tra bảo vệ rừng của những người lính kiểm lâm trên đỉnh Sam Síp đã thực sự cuốn hút chúng tôi. Anh em trong Ban chủ yếu nhà ở Thành phố và các huyện, nên việc đi lại khá vất vả, nhất là sau trận lũ lịch sử năm 2017, lại càng khó khăn hơn. Ban được biên chế 20 người, trong đó có 6 phụ nữ, nhưng lại phải tăng cường mất 5 người. Địa bàn rộng, địa hình hết sức phức tạp, với đàn ông đã vất vả, nhưng đối với chị em còn vất vả gấp nhiều lần. Có những chị nhà ở Thành phố đang nuôi con nhỏ, nhưng công việc vẫn phải đi thiết kế đường băng cản lửa, tuyên truyền PCCCR, vận động bà con tham gia bảo vệ rừng, nhiều khi các chị còn phải ngủ lại trong bản. Trung bình mỗi tháng, những người lính kiểm lâm ở đây phối hợp với các tổ bảo vệ rừng của Tổ chức FFI thực hiện 3-4 cuộc tuần tra bảo vệ rừng, mỗi lần đi như thế phải mất từ 4-5 ngày. Trước khi lên đường, mọi người phải chuẩn bị các dụng cụ cá nhân, máy ảnh định vị vệ tinh, bản đồ, công cụ hỗ trợ, lương thực, thực phẩm, đặc biệt là phải luôn nhớ mang theo túi ngủ và tất chống vắt. Để anh em có chỗ ăn nghỉ trong rừng, trên các tuyến đường tuần tra, đơn vị đã bố trí dựng một số lán trại và chuẩn bị sẵn dụng cụ để nấu ăn, thực phẩm mang theo, còn rau thì có sẵn trong rừng, nhiều đêm nằm trong túi ngủ ở lán mà vẫn rét run người.

Chiến sĩ trẻ Phạm Khánh Lâm, nhà ở huyện Quỳnh Nhai, mới về Ban quản lý Khu bảo tồn cuối năm 2018 vừa rồi kể lại chuyến đầu tiên tham gia tuần tra của mình. Anh bảo: “Lần đó là những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, trời rất lạnh lại là chuyến tuần tra đi lên đỉnh cao nhất trong Khu bảo tồn, nơi mọi người vẫn gọi là đỉnh “Tà Xùa” của Ngọc Chiến, ở đây cao hơn 1.800 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, đường mòn trong rừng luôn ẩm ướt, rêu mọc kín. Khi đi lên thì mọi người phải đu bám vào cây rừng, người đi sau đẩy người đi trước, nhưng đến lúc xuống, nhìn dốc hun hút, đường trơn như đổ mỡ làm em run hết hai đầu gối không bước nổi, vậy là các anh phải thay nhau dìu mới đi được, bây giờ thì quen rồi, mỗi khi đi tuần tra, em còn xung phong mang đồ giúp các anh.

Câu chuyện về những người lính kiểm lâm giữ rừng trên đỉnh Sam Síp không có phần kết. Chia tay các anh, các chị khi đất trời đã sang xuân, chúng tôi thầm cảm phục tinh thần quyết tâm vượt khó, với lòng yêu nghề, yêu rừng các anh, các chị vẫn ngày đêm gắn bó, ngăn chặn những hành vi xâm hại, góp sức bảo tồn đa dạng sinh học, giữ màu xanh cho rừng.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới