Người thương binh 20 năm đi tìm mộ liệt sỹ

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng những kỷ niệm của một thời trai trẻ, kề vai sát cánh cùng đồng đội vẫn còn đau đáu trong ký ức của thương binh hạng 4/4 Bùi Minh Thuyên. Dù năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn miệt mài đi tìm những đồng đội của mình đã ngã xuống, đưa về quê hương với gia đình.

 

Ông Bùi Minh Thuyên chia sẻ với phóng viên về hành trình đi tìm đồng đội.

Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Minh Thuyên tại Tiểu khu 7, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu để được nghe những câu chuyện về một thời oanh liệt cùng những chuyến về lại chiến trường xưa tìm và đưa đồng đội của mình về quê hương. Căn phòng khách ấm cúng của gia đình ông treo nhiều bức ảnh ghi lại những lần ông trở lại chiến trường Trị Thiên và sang nước bạn Lào để tìm lại đồng đội. Sau cái bắt tay thật chặt, ông Thuyên chia sẻ rằng, ông vừa mới từ Quảng Trị về cách đây mấy hôm để xác minh lại thông tin của một liệt sỹ. Rót chén nước mời khách, ông Thuyên kể về thời trai trẻ của ông tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1968, khi mới 18 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị C12 - D148 thuộc Sư đoàn 330. Cũng trong năm đó, đơn vị ông hành quân vào chiến trường và ông được phân công về đơn vị C9 - D6 - E24 thuộc Sư đoàn 304, hoạt động chủ yếu ở mặt trận Khe Sanh và Đường 9 Nam Lào. Nhiệm vụ của ông là trinh sát và bảo vệ cho chỉ huy sở của tiểu đoàn, bảo vệ bệnh xá, đồng đội bị thương tại chiến trường.

Trong một trận càn lớn của địch đánh vào điểm đóng quân của ta, khi đó tại điểm đóng quân chỉ có các y, bác sỹ quân y và các thương, bệnh binh đang điều trị. Ông Thuyên nhớ lại: Hôm đó là ngày 25/2/1971, địch tấn công, quân ta chỉ có vài chiến sỹ ở lại bảo vệ, trong đó có tôi và đồng chí Lê Nguyên Soái. Chúng tôi đã cầm chân địch trong 6 tiếng đồng hồ, để chờ quân ta về tiếp ứng, tôi và anh Soái bị thương do dính phải lựu đạn của địch, cũng may là bị thương không quá nặng. Sau thời gian điều trị và hồi phục sức khỏe, tôi tiếp tục ở lại chiến trường Nam Lào làm công tác huấn luyện và bảo vệ nơi đóng quân. Cùng năm đó, tôi nhận được tin báo anh Soái đã hy sinh trong một trận đánh. Tôi tiếp tục ở lại chiến đấu cho đến đầu năm 1972 thì xuất ngũ.

Sau khi xuất ngũ, ông Thuyên trở về quê hương Thái Bình. Tháng 8 năm 1973, ông cùng gia đình chuyển lên Nông trường Chiềng Ve (Mộc Châu) lập nghiệp. Tại quê hương thứ hai, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ như: Bí thư Đảng bộ Nông trường Chiềng Ve, Bí thư Đảng bộ kiêm Giám đốc Nông trường Chiềng Ve và được nghỉ chế độ vào tháng 8 năm 2000. Suốt bao năm, ông Thuyên luôn đau đáu về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh nhưng vẫn nằm lại chiến trường, chưa được trở về với quê hương, với gia đình, vì vậy, khi được nghỉ chế độ hưu trí, ông Thuyên đã quyết định trở lại chiến trường năm xưa để tìm những đồng đội của ông đã hy sinh, với hy vọng đưa họ trở về “đoàn tụ” với người thân. Nhận được sự ủng hộ của gia đình, ông đã trải qua hành trình gần 20 năm với hàng trăm chuyến đi tìm đồng đội. Ông tham gia Ban Nghĩa tình đồng đội của Hội CCB chiến trường Trị Thiên với bao khó khăn, vất vả, bởi những dấu tích của chiến trường năm xưa không còn rõ nét, hơn nữa những thông tin về liệt sỹ cũng không nhiều. Vì vậy, với bất kỳ thông tin nào của liệt sỹ chưa tìm được phần mộ cũng được ông ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ tay, từ đó liên hệ với các cơ quan chức năng phối hợp đi đến các nghĩa trang liệt sỹ lấy mẫu ADN để giám định. Còn đối với những liệt sỹ không có thông tin gì ngoài tờ Giấy báo tử, việc đi tìm phần mộ còn khó khăn gấp nhiều lần.

Chẳng quản khó khăn, vất vả, chẳng quản tuổi tác, trong 20 năm đi tìm mộ liệt sỹ, ông cùng 74 thành viên của Ban Nghĩa tình đồng đội đã đi tìm kiếm thông tin và xác định được vị trí 241 phần mộ, trong đó hầu hết là đồng đội cùng đơn vị chiến đấu của ông hy sinh tại chiến trường Trị Thiên và Nam Lào. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng của địa phương quy tập về các nghĩa trang liệt sỹ, cũng có nhiều trường hợp được đưa về quê hương. Riêng năm 2017, ông tìm được 11 phần mộ của đồng đội cùng đơn vị chiến đấu năm xưa, trong đó 6 người chỉ có tờ Giấy báo tử do thân nhân các liệt sỹ cung cấp, đặc biệt là có cả phần mộ của liệt sỹ Lê Nguyên Soái - người đồng đội đã từng sát cánh cùng ông trong trận chiến đấu bảo vệ các thương binh và y, bác sỹ trong trận càn của địch.

Trong những bức ảnh chụp trong những chuyến đi tìm đồng đội của ông Thuyên, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bức ảnh ông trở lại cao điểm Ca-kê-phìn thuộc Nam Lào. Ông Thuyên kể: Trở lại Ca-kê-phìn, cuộc sống của người dân ở đó vẫn còn nhiều khó khăn, có những đoạn đường chúng tôi phải đi bộ cả chục cây số để trở lại chiến trường xưa. Với sự giúp đỡ của người dân địa phương, chúng tôi đã tìm được 3 người đồng đội, qua giám định mẫu ADN, ba người đã được đưa về quê hương với gia đình. Ông Thuyên trầm giọng: Tôi đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, sẽ khó tham gia đi tìm phần mộ liệt sỹ nữa. Vì vậy, tôi rất mong có thể thành lập được một tổ chức hội hỗ trợ các gia đình liệt sỹ tỉnh Sơn La, qua đó kết nối thông tin với các tỉnh khác để tìm phần mộ liệt sỹ và đưa họ trở về với người thân.

Chia tay thương binh Bùi Minh Thuyên, chúng tôi thêm cảm phục tấm lòng nhân ái, hết lòng vì đồng đội của ông. Và những chuyến đi tìm đồng đội của người lính già Bùi Minh Thuyên đã cho chúng tôi hiểu thêm về truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, qua đó rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn để xứng đáng với những chiến sỹ cách mạng đã không tiếc xương máu hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới