Người nông dân tiêu biểu ở Chiềng Ban

Dáng người cao, gầy, gương mặt có nét khắc khổ, nhưng ở ông, lại luôn toát lên nghị lực và ý chí quyết tâm thoát khỏi đói nghèo. Đó là người nông dân tiêu biểu Hoàng Văn Chất, ở bản Củ, xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

                                       

Năm 2019, vườn cây ăn quả của gia đình ông Hoàng Văn Chất cho thu nhập trên 1,7 tỷ đồng.

             

Nghị lực của người cựu chiến binh

             

Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến thì ông Chất vẫn không ở nhà, mấy người làm công cho biết, ông vào bản Hoa Mai từ sáng sớm để hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả. Trong lúc chờ ông Chất về, chúng tôi tranh thủ thăm vườn cây ăn quả của gia đình, hàng nghìn cây bưởi da xanh, cam V2, C36, cam đường canh xanh tốt, trĩu quả, hứa hẹn cho một mùa bội thu.

             

Ông Hoàng Văn Chất hướng dẫn nông dân xã Chiềng Ban sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

             

Nửa buổi sáng, khi trời đã nắng gắt mới thấy ông Chất về, quần vẫn còn sắn ống thấp, ống cao. Ông bảo, mùa này phải luôn nhắc bà con tranh thủ trồng sớm thì tỷ lệ cây sống mới cao.

             

Nhanh tay pha ấm chè, gọi người nhà mang lên đĩa cam trái vụ mời khách, ông kể: Năm 1978, tròn 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3, ông lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đầu năm 1981, ông được đơn vị cử đi học trung cấp y, sau khi học xong, ông về công tác tại Bệnh viện Quân y 6. Năm 1983, ông lập gia đình và đến năm 1989, do hoàn cảnh nhà neo người, bố mẹ già yếu cần chăm sóc, ông xin phục viên. Những ngày đầu trở về địa phương, cuộc sống vô cùng khó khăn, với 13 ha đất đồi, bằng nghị lực của CCB, ông bắt tay vào khai hoang phục hóa, trồng mía và một số loại cây ăn quả, đây cũng là thời gian tỉnh ta có chủ trương đưa cây cà phê vào trồng trên quy mô lớn tại một số địa phương. Ở Chiềng Ban, gia đình ông Chất cũng là một trong những hộ đầu tiên đăng ký trồng cà phê. Những năm đầu, việc canh tác cà phê nhiều thuận lợi, diện tích cà phê liên tục được mở rộng. Cây cà phê đã giúp nhiều hộ dân ở Chiềng Ban thoát nghèo, vươn lên giàu có. Tuy nhiên, việc trồng cà phê phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, đất nhanh bạc màu, phải đầu tư nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thị trường tiêu thụ lại không ổn định, nhiều diện tích cà phê liên tục bị thiệt hại bởi sương muối, hạn hán. Ông Chất trầm ngâm: Có những năm đầu tư cả trăm triệu đồng vào vườn cà phê, nhưng rồi sương muối, hạn hán, vườn cà phê gần như mất trắng.

             

Quyết tâm thoát nghèo

             

Ông Hoàng Văn Chất hướng dẫn thành viên HTX Trường Tiến chăm sóc vườn cây ăn quả          

             

Không cam chịu đói nghèo, ông trăn trở, tìm tòi thông tin qua sách báo và những người đồng đội cũ, với mục đích làm sao học được kinh nghiệm cải tạo đất dốc, bạc mầu, trồng cây gì thay cây cà phê mà đầu tư ít nhất, chịu rủi ro về khí hậu thấp nhất, mà đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm 2013, ông lục tìm chiếc ba lô đã gắn bó thời quân ngũ, chuẩn bị ít tư trang và cùng hai người con trai lặn lội đến tận Đồng Văn (Hà Giang), Chi Lăng (Lạng Sơn), Quỳ Hợp (Nghệ An), Văn Giang (Hưng Yên) và sang cả Nậm Bạc (tỉnh Luông Pha Băng của nước bạn Lào) để học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả.

             

Sau hơn 2 tháng trở về, đầu năm 2014, ông vay mượn vốn, mạnh dạn đầu tư 14 triệu đồng mua phân bón, cải tạo đất và mua 120 cây cam giống V2 về trồng thử nghiệm thay thế hơn 2.000m² cà phê. Không có tiền thuê lao động, cả ngày, mấy bố con lăn lộn trên nương. Ông luôn động viên bản thân và gia đình phải thật cố gắng, đất sẽ không phụ công người. Giống cam V2 này được ông nghiên cứu rất kỹ, ưu điểm là thích nghi với phạm vi sinh thái rộng, dễ phù hợp với điều kiện khí hậu nhiều miền khác nhau, đặc biệt là không bị ảnh hưởng của sương muối, nên chỉ sau một thời gian, cây phát triển tốt. Năm 2015, ông tiếp tục phá bỏ 3 ha cà phê, đầu tư 60 triệu đồng mua 1.500 cây cam giống C36, cam đường canh, bưởi da xanh về trồng. Một năm sau đó, ông lại quyết định vay ngân hàng và người thân 240 triệu đồng mua giống, phân bón, mở rộng diện tích trồng cam, bưởi thêm 1,7 ha nữa. Đây cũng là thời điểm, tỉnh có chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gia đình ông được hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Là người ham học hỏi, ngoài việc tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của Liên minh HTX tỉnh và các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức, ông đã tự nghiên cứu, cải tiến hệ thống tưới ẩm phù hợp với gần 5 ha cây ăn quả. Đồng thời, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Quả là đất không phụ công người, năm 2017, vụ đầu tiên gia đình ông thu hoạch hơn 30 tấn cam, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng, số tiền này được ông tái đầu tư sản xuất và xây dựng chuồng trại nuôi 10 con bò sinh sản để chủ động nguồn phân bón hữu cơ cho vườn cây ăn quả. Những năm tiếp theo, sản lượng các loại quả và thu nhập liên tục tăng, năm 2018, trừ chi phí, thu về hơn 900 triệu đồng; năm 2019, thu 1,7 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ 250 triệu đồng, gia đình ông đã đầu tư thêm 250 triệu đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới ẩm, ông dùng nước giếng khoan bơm lên bể, sục cho đủ lượng ô xy rồi mới tưới cho cây. Đặc biệt, ông không dùng phân bón hóa học, mà sử dụng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và tận dụng hết các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, từ vỏ cà phê, rơm rạ, lõi ngô để ủ với phân chuồng. Ông Chất ước tính năm 2020, gia đình sẽ thu hoạch khoảng 150 tấn quả các loại, trừ chi phí lãi khoảng 2 tỷ đồng. Gia đình ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 người và gần 30 lao động thời vụ, với mức tiền công 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn cho 40 hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã vay vốn sản xuất không lấy lãi bằng cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.

             

Chia sẻ kinh nghiệm làm giàu

             

Ông Lò Đức Đại, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin với chúng tôi, ở Chiềng Ban không có đất trống, đồi trọc, từ nhiều năm nay hơn 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã đều được khai thác hiệu quả. Việc tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của ông Hoàng Văn Chất đã tạo hiệu ứng tích cực, những diện tích cà phê thường xuyên bị sương muối đang được bà con chuyển sang trồng cây ăn quả, đến nay, Chiềng Ban có 365 ha cây ăn quả được sản xuất theo quy trình VietGAP.

             

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Chất luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người, đầu năm 2018, được sự tạo điều kiện của chính quyền và Hội Nông dân xã, ông đã vận động 12 hộ thành lập HTX Trường Tiến do ông làm giám đốc. Các thành viên được ông hướng dẫn cách chuyển đổi những diện tích trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao. Đến nay, HTX đã phát triển lên 20 thành viên, trồng 30 ha cam Vinh, cam đường canh, cam V2 và bưởi da xanh, nhãn ghép, xoài ghép và 2 ha rau xanh; trồng 2 ha nấm, thâm canh 30 ha cà phê, chăn nuôi 200 con bò sinh sản… Năm 2018, toàn bộ sản phẩm cây ăn quả của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Năm 2019, HTX cung cấp ra thị trường 300 tấn quả các loại, 200 tấn rau xanh, 80 tấn nấm, 600 tấn cà phê… lợi nhuận trên 13 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi thành viên thu nhập trên 500 triệu đồng; HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 60 người và 400 lao động thời vụ, tiền công từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với thực hiện sản xuất đúng quy trình VietGAP, bảo đảm chất lượng sản phẩm và sản lượng cung cấp cho chuỗi tiêu thụ đã ký hợp đồng với các siêu thị trong và ngoài tỉnh, HTX còn mở rộng dịch vụ cung cấp cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, trong đó ưu tiên những nông dân có nhu cầu ở các bản vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh và cam kết bảo hành cây giống trong 3 năm, khi có sản phẩm HTX sẽ đưa vào chuỗi tiêu thụ. Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, HTX cung ứng cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh từ 5-8 vạn cây giống ăn quả chất lượng cao các loại.

             

Gia đình anh Hoàng Văn Thắng ở bản Củ có 1,5 ha đất, trước chỉ trồng cà phê, nhưng thường xuyên bị sương muối. Anh Thắng cho biết: Năm 2018, sau khi tham gia HTX Trường Tiến, được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, gia đình đã chuyển đổi hết diện tích sang trồng cây ăn quả, dự kiến năm nay sẽ thu hoạch 30 tấn, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng.

             

Không dừng ở đó, hiện nay ông Chất và các thành viên HTX đã đưa vào trồng thử nghiệm thành công 200 cây cam Mỹ, ưu điểm nổi bật của giống cam này là chất lượng ngọt, thơm, khi chín có thể lưu trên cây được 8 tháng và 200 cây bưởi Rubi Thái Lan, dự kiến sang đầu năm sau sẽ cho thu hoạch.

             

Với nghị lực của một CCB, dám nghĩ, dám làm, ông Hoàng Văn Chất và HTX Trường Tiến đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, giúp bà con tiếp cận khoa học, kỹ thuật, sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bước sang tuổi 60, nhưng ông vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi, vẫn hằng ngày say sưa tìm tòi, nghiên cứu, đi đến những vùng đồng bào còn nhiều khó khăn để hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, với mong muốn làm giàu cho gia đình, góp sức làm giàu cho quê hương. Ông Hoàng Văn Chất đã được Hội Nông dân tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới