Người lính giữa đời thường

Như một cơ duyên, ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề làm báo, tôi đã nhiều lần được gặp, tiếp xúc với cựu chiến binh Hà Kim Soạn, bản Đoàn kết, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ. Lần nào gặp ông cũng để lại trong tôi những ấn tượng khó quên về cách truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ, về tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm trong công việc và sự năng động, sáng tạo trong xây dựng cuộc sống mới.

 

Mô hình kinh tế VAC của gia đình ông Hà Kim Soạn, bản Đoàn Kết, xã Chiềng Khoa (Vân Hồ).

 

Tiếp nối truyền thống cách mạng

Ông Hà Kim Soạn là con trai trưởng của cụ Hà Văn Quý - một trong những đảng viên đầu tiên của xã Chiềng Khoa và là chiến sỹ cách mạng hoạt động ở căn cứ cách mạng Mộc Hạ năm xưa. Niềm nở đón chúng tôi tại ngôi lán của gia đình được dựng trên nương để tiện cho việc chăm sóc vườn cây, câu chuyện của ông Soạn đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử trở về với những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trước đây, xã Chiềng Khoa nằm ở vị trí cửa ngõ của vùng Mộc Hạ, muốn vào được khu căn cứ Mộc Hạ, con đường thuận lợi nhất là đi theo quốc lộ 43 vào xã Phiêng Luông rồi theo đường mòn đến các bản Tin Tốc, Mường Khoa của xã Chiềng Khoa. Để ngăn cản cán bộ cách mạng của ta hoạt động tại Mộc Hạ kết nối với các cơ sở khác trong và ngoài tỉnh, thực dân Pháp đã xây dựng đồn, bốt đóng tại bản Mường Khoa dưới sự chỉ huy của hai tên sỹ quan người Pháp và gây nhiều tội ác với người dân xã Chiềng Khoa, dù còn nhỏ, nhưng được nghe kể lại về những ngày tháng đó đã hun đúc tình yêu quê hương, đất nước trong ông.

Tiếp nối truyền thống gia đình, truyền thống quê hương, năm 1970 khi vừa tròn tuổi 20, chàng trai trẻ Hà Kim Soạn đã tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào đơn vị C1-D27 đóng quân tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, được huấn luyện trở thành chiến sỹ thông tin liên lạc. Sau 3 tháng huấn luyện, ông chuyển về Tiểu đoàn 26, Quân khu Tây Bắc, đóng quân tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn. Cuối năm 1971 đến năm 1973, đơn vị ông lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại các tỉnh Bắc Lào. Nhớ lại thời kỳ khói lửa đó, ông cười tự hào: “Tôi và các đồng đội đều ở lứa tuổi 18, đôi mươi, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, dù gian nan, nguy hiểm, nhưng chúng tôi sẵn sàng hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho đất nước”. 

Trở về từ chiến trường, ông công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và được cử đi học các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của người lính Cụ Hồ này là khoảng thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1985 năm đến 1988, lúc đó ông là Chủ nhiệm chính trị của Trung đoàn 754, đóng quân tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. 33 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của ông vẫn nhớ rất rõ những trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, trong đó, có trận đánh chiếm lại điểm cao Bốn Hầm. Nhớ lại trận chiến đó, trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn của người lính Vị Xuyên năm nào có đôi chút trầm ngâm: Vì điểm cao Bốn Hầm có vị trí chiến lược nên ta quyết tâm chiếm lại bằng được, trận chiến diễn ra ác liệt và kéo dài nhiều ngày làm nhiều đồng đội hy sinh. Song, những sự hy sinh đó đã khiến chúng tôi thêm vững tay súng, thêm quyết tâm bám trận địa, giữ chốt tại các điểm Cóc Nhè, Làng Quynh, Đồi Đài... bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Rời Vị Xuyên năm 1988, ông trở về quê hương Mộc Châu, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện trong 15 năm, đến năm 2005, ông về nghỉ chế độ hưu trí tại bản Đoàn Kết, xã Chiềng Khoa.

“Bộ đội Cụ Hồ” trong đời thường

Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, lăn lộn trên nhiều chiến trường, trải qua biết bao gian nguy, người lính Cụ Hồ Hà Kim Soạn trở về sinh sống tại mảnh đất Mộc Hạ anh hùng. Có lẽ “chất lính” đã ăn sâu trong ông, vì vậy, ông lại tiếp tục có những đóng góp trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc. Người dân quê hương ông vốn chỉ chuyên canh tác cây ngô, lúa, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật cũng hạn chế, vì vậy cuộc sống chưa được khá giả. Trước tiềm năng về đất đai, nguồn lao động dồi dào và nhất là sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân, ông nghĩ, tại sao lại không thay đổi cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nghĩ là làm và để bà con tin tưởng làm theo, năm 2015, ông đã dùng số tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư mua giống cây cam Vinh, quýt về trồng trên diện tích hơn 1 ha đất nương của gia đình. Vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm, hằng ngày ông miệt mài trên nương vườn chăm sóc vườn cây, bón phân, tỉa cành đúng kỹ thuật... Vườn cây ăn quả của gia đình ông phát triển tốt, chỉ 3 năm sau đã cho quả bói, với sản lượng đạt 5 tấn quả, dự tính năm nay sẽ thu hoạch từ 10-15 tấn quả.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây của gia đình, trông ông đúng như nông dân thực thụ, nước da rám nắng, dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Khoát tay chỉ những cây cam Vinh đang sai trĩu quả, ông nói chắc như đinh đóng cột: “Tôi tin vườn cây này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình tôi và cũng sẽ là vườn cây mẫu để bà con trong bản, trong xã làm theo”. Rồi ông chia sẻ: Ở khu vườn này, trước đây gia đình tôi trồng ngô lấy thức ăn cho đàn vật nuôi. Nhưng muốn có thu nhập cao thì cần phải chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, điều này cũng là chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc. Song, người dân trong bản, trong xã chưa thật tin rằng trồng cây ăn quả sẽ mang lại thu nhập cao, họ còn lo rằng nếu không trồng cây lương thực thì lấy gì mà ăn hằng ngày, lấy gì làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Vì vậy, tôi đã bàn với gia đình, mình cần làm trước, mình làm có kết quả thì bà con mới tin tưởng và làm theo.

Quả thật, từ kết quả của gia đình ông, mô hình trồng cây ăn quả đầu tiên của xã, đến nay, Chiềng Khoa đã có nhiều hộ chuyển gần 200 ha đất nương trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng các loại cây ăn quả, như: Cam Vinh, quýt, nhãn chín muộn, bơ... vụ năm nay đã cho bói quả. Và quan trọng nữa, là đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo hướng sản xuất hàng hóa, đây là điều quan trọng để người dân Chiềng Khoa thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Trước những đồi cây trái xanh ngát, bà con Chiềng Khoa luôn ghi nhận, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn có công sức không nhỏ của người cựu chiến binh Hà Kim Soạn, đã không quản nắng, mưa, không quản tuổi tác, luôn có mặt trên nương đồi, trên vườn cây ăn quả của các gia đình trong bản, trong xã để trao đổi, để chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp chăm sóc cây trồng với bà con.

Hơn 30 năm khoác trên người bộ quân phục, dành cả tuổi thanh xuân trên các chiến trường, anh dũng chiến đấu với quân thù góp sức bảo vệ quê hương, đất nước; trở về với cuộc sống đời thường tiếp tục năng động, sáng tạo trên trận tuyến xóa đói giảm nghèo - đó là chân dung người lính Cụ Hồ năm xưa - người cựu chiến binh Hà Kim Soạn hôm nay.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới