Người được trợ giúp pháp lý, quyền, nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý

Câu hỏi tình huống 1: Anh tôi sinh năm 1985, cư trú tại bản Suối Quốc, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La là người thuộc hộ nghèo, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện bắt tạm giam về tội buôn bán trái phép chất ma túy, nay vụ việc đã được Tòa án nhân dân huyện Bắc Yên chuẩn bị đưa ra xét xử, gia đình tôi muốn viết đơn gửi Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cử người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho anh tôi, như vậy anh tôi có thuộc diện đối tượng được trợ giúp pháp lý hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 33, Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý quy định như sau: "Giấy tờ chứng minh người thuộc hộ nghèo là giấy chứng nhận hộ nghèo". Như vậy, anh trai của bạn phải có Giấy chứng nhận hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền cấp thì sẽ được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Tuy nhiên, căn cứ Khoản 4, Điều 7, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định về người được trợ giúp pháp lý: “Người dân tộc thiếu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" và Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, thì xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La là xã khu vực III (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), do đó, xét về nơi cư trú, anh của bạn thuộc diện “Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” được trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật.

Câu hỏi tình huống 2: Pháp luật quy định như thế nào về người được trợ giúp pháp lý và người được trợ giúp pháp lý có những quyền, nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Tại Điều 7, Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định về người được trợ giúp pháp lý như sau:

1. Người có công với cách mạng.

2. Người thuộc hộ nghèo.

3. Trẻ em.

4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

7. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

b) Người nhiễm chất độc da cam;

c) Người cao tuổi;

d) Người khuyết tật;

đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

h) Người nhiễm HIV. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Điều 8. Quyền của người được trợ giúp pháp lý

1. Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

2. Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

3. Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

4. Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

5. Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 25 của Luật này.

6. Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

7. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

8. Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 9. Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý

1. Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.

2. Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.

3. Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

4. Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.

5. Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Tòng Minh (Trung tâm TGPL)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới